Chờ...

Sau vụ nổ Nord Stream, phương Tây lập dự án bảo vệ cáp ngầm dưới biển

VOH - Dự án bảo đảm an ninh thông tin viễn thông này được NATO hỗ trợ tài chính, và có tổng giá trị 2,5 triệu USD.

Theo Bloomberg, các nhà nghiên cứu Mỹ, Iceland, Thụy Điển và Thụy Sĩ đang phát triển một phương pháp định tuyến lại lưu lượng Internet từ cáp ngầm đến hệ thống vệ tinh một cách liền mạch trong trường hợp cáp bị phá hoại hoặc thiên tai.

Chương trình Khoa học vì Hòa bình và An ninh của NATO đã phê duyệt khoản tài trợ hơn 433.000 USD cho dự án trị giá 2,5 triệu USD này.

Eyup Kuntay Turmus - cố vấn của chương trình NATO - xác nhận dự án đã được phê duyệt và sẽ sớm được triển khai.

Dự án bảo đảm an ninh thông tin viễn thông này được đề xuất trong bối cảnh ngày càng có nhiều lo ngại rằng hệ thống cáp quang biển có thể bị đứt hoặc bị tấn công nhằm làm gián đoạn liên lạc trong trường hợp xảy ra một cuộc khủng hoảng quân sự.

Theo NATO, dữ liệu được truyền qua cáp biển liên quan đến khoảng 10 ngàn tỉ USD giao dịch tài chính mỗi ngày và gần như toàn bộ lưu lượng truy cập Internet của NATO đều đi qua chúng. Do đó, NATO đã tăng cường nỗ lực bảo vệ cáp biển trong nhiều tháng qua.

Sau vụ nổ đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc (Nord Stream) vào tháng 9/2022, NATO đã cho thành lập trung tâm điều phối để bảo vệ cơ sở hạ tầng dưới biển vào năm 2023.

Cap-Quang
Hải quân Estonia kiểm tra cáp quang biển sau khi đường ống dẫn khí và cáp viễn thông nối Phần Lan và Estonia dưới Biển Baltic bị hư hỏng ở Vịnh Phần Lan, ngày 10/10/2023. Ảnh: Hải quân Estonia

Dự án, với tên gọi HEIST, sẽ chính thức ra mắt trong hội nghị chuyên đề tại Đại học Cornell ở New York (Mỹ) vào cuối tháng 7. Dự án tập trung vào phát triển các phương pháp phát hiện nhiễu trên cáp và sau đó tự động hóa truy cập băng thông vệ tinh (hoặc có thể là các loại cáp ngầm khác) để định tuyến lại dữ liệu.

Dự án dự kiến sẽ có sự tham gia của các đối tác thương mại và chính phủ.

Hans Liwång - phó giáo sư về hệ thống phòng thủ tại Đại học Quốc phòng Thụy Điển, một trong hai đồng giám đốc chính của dự án - cho biết, việc phát triển một hệ thống sao lưu tự động trong không gian là điều hợp lý do các mối đe dọa ngày càng tăng đối với cơ sở hạ tầng quan trọng dưới biển.

Các rủi ro cần phòng ngừa: từ việc cáp vô tình bị đứt do vướng neo của tàu thuyền cho đến cố ý phá hoại, kể cả những gì Thụy Điển cho là phá hoại "có chủ đích" vào tháng 10 năm ngoái đối với tuyến cáp ngầm dưới biển Baltic nối Estonia và Thụy Điển.

Theo các tài liệu của Bloomberg, Hải quân Thụy Điển và chính phủ Iceland nằm trong số những bên quan tâm đến việc sử dụng hệ thống do các nhà nghiên cứu HEIST phát triển.

Công ty vệ tinh Viasat của Mỹ, công ty công nghệ vũ trụ Sierra Space và công ty an ninh mạng Syndis của Iceland đang tham gia vào nỗ lực này.