Syria hoan nghênh Mỹ cân nhắc dỡ bỏ trừng phạt

VOH - Chính quyền lâm thời Syria đã bày tỏ hoan nghênh phát biểu của Tổng thống Mỹ Donald Trump về khả năng dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Damascus.

Đây được xem là bước đi tích cực, mở ra hy vọng giảm nhẹ khó khăn kinh tế và nhân đạo cho người dân Syria sau hơn một thập kỷ xung đột.

Trong tuyên bố phát đi cùng ngày, đại diện cơ quan ngoại giao của chính quyền lâm thời Syria nhận định việc Mỹ cân nhắc dỡ bỏ trừng phạt là “một tín hiệu đáng khích lệ”, phản ánh sự thay đổi trong cách tiếp cận của Washington đối với vấn đề Syria. Họ nhấn mạnh các biện pháp trừng phạt đang gây ra hệ quả nặng nề đối với người dân, làm suy yếu nỗ lực phục hồi đất nước và gây cản trở cho các chương trình nhân đạo và tái thiết cơ bản.

Syria
Trẻ em Syria chờ nhận thực phẩm cứu trợ tại một trại tị nạn ở gần Bab al-Salamah, khu vực biên giới giữa Syria và Thổ Nhĩ Kỳ - Ảnh: THX

“Tất cả những gì chúng tôi mong muốn là cơ hội được xây dựng lại cuộc sống, khôi phục hòa bình và phát triển,” thông cáo nêu rõ. Đồng thời, chính quyền lâm thời cũng kêu gọi các nước khác, đặc biệt là trong khu vực và châu Âu, hợp tác tháo gỡ các rào cản pháp lý và chính trị để hỗ trợ tiến trình tái thiết Syria một cách công bằng và nhân đạo.

Trước đó, Tổng thống Donald Trump, trong buổi họp báo ngắn tại Nhà Trắng trước chuyến công du tới Trung Đông, cho biết: “Chúng tôi có thể dỡ bỏ trừng phạt Syria bởi chúng tôi muốn tạo điều kiện cho nước này có khởi đầu mới.” Đây là lần đầu tiên ông Trump trực tiếp nhắc đến khả năng điều chỉnh chính sách trừng phạt đối với Syria kể từ khi quay trở lại Nhà Trắng.

Giới quan sát cho rằng phát biểu này là tín hiệu cho thấy chính quyền Mỹ đang đánh giá lại hiệu quả lâu dài của các biện pháp trừng phạt, nhất là trong bối cảnh khu vực Trung Đông đang trải qua những biến động địa chính trị sâu rộng và có xu hướng dịch chuyển về phía hòa dịu hơn trong một số hồ sơ nóng.

Theo Liên Hợp Quốc, hơn 90% dân số Syria hiện sống dưới mức nghèo đói. Các lệnh trừng phạt kéo dài từ năm 2011 đã bóp nghẹt nền kinh tế nước này, đặc biệt là trong các lĩnh vực dầu khí, xây dựng, y tế và ngân hàng. Nhiều tổ chức quốc tế và nhân đạo từng nhiều lần kêu gọi nới lỏng các biện pháp trừng phạt mang tính bao vây, tạo điều kiện tiếp cận lương thực, thuốc men và vật liệu tái thiết.

Cùng thời điểm, căng thẳng tại Syria vẫn chưa hạ nhiệt hoàn toàn. Ngày 12/5, Ngoại trưởng Jordan và Thổ Nhĩ Kỳ đồng loạt lên tiếng phản đối các cuộc tấn công quân sự mới đây của Israel nhằm vào các mục tiêu tại Syria. Hai nước cho rằng những hành động này chỉ làm gia tăng bất ổn và đẩy lùi các nỗ lực hướng tới hòa bình bền vững trong khu vực.

Giới chức Syria hy vọng phát biểu của ông Trump sẽ được hiện thực hóa bằng các bước đi cụ thể trong thời gian tới. Nếu được dỡ bỏ, đây có thể là bước ngoặt lớn giúp Syria từng bước thoát khỏi vòng luẩn quẩn khủng hoảng và hội nhập trở lại với cộng đồng quốc tế sau hơn một thập kỷ bị cô lập.

Bình luận