Trước đó vài ngày, các quan chức ngoại giao Mỹ đã nhanh chóng được sơ tán khỏi Afghanistan bằng trực thăng, trong bối cảnh lực lượng Taliban tiến công như vũ bão và giành quyền kiểm soát phần lớn lãnh thổ Afghanistan.
Đáng chú ý, quân Taliban dễ dàng chiếm giữ các thành phố trọng yếu mà không gặp khó khăn hay kháng cự mạnh mẽ nào từ các lực lượng vũ trang thuộc chính phủ Afghanistan - vốn được Mỹ và các nước đồng minh tiêu tốn hàng tỷ USD đào tạo và hỗ trợ suốt hàng thập kỷ qua.
Khi tiến vào thủ đô Kabul, quân Taliban đã kêu gọi các quan chức chính phủ ở lại, nhưng nhiều nhân viên chính phủ cho biết Tổng thống Ashraf Ghani đã lên máy bay rời khỏi đất nước.
Hiện chưa rõ ông Ashraf Ghani đã đi đâu. Một quan chức cấp cao của Bộ Nội vụ cho rằng ông Ghani đến Tajikistan, trong khi một quan chức khác của Bộ Ngoại giao thì nói rằng không biết chính xác quốc gia nào Tổng thống sẽ hạ cánh.
Đại diện Taliban cho biết lực lượng này đang tiến hành kiểm tra nơi ở của Ghani. Nhiều người dùng mạng xã hội ở Afghanistan bày tỏ sự thất vọng, cho rằng Ghani là “kẻ hèn nhát” khi rời đi và để người dân ở lại trong tình thế hỗn loạn.
Hãng tin Reuters dẫn lời một quan chức cấp cao Bộ Nội vụ cho biết, các chiến binh Taliban hiện đã tiếp cận thành công thủ đô Kabul “từ mọi phía”, đồng thời ghi nhận báo cáo về một vài tiếng súng nổ lẻ tẻ ở một vài nơi trong thành phố.
Tuy nhiên, không có một trận giao tranh hay chiến đấu thực sự nào diễn ra, và Taliban cho biết lực lượng này đang chờ chính phủ Afghanistan - vốn đang được phương Tây hậu thuẫn - sẽ nhanh chóng đầu hàng trong hòa bình.
Người phát ngôn Taliban Zabihullah Mujahid phát biểu: “Các chiến binh Taliban đang trong trạng thái sẵn sàng tại tất cả các cửa ngõ vào Kabul cho đến khi các bên nhất trí về một cuộc chuyển giao quyền lực trong hòa bình.”
Nhiều người dân Afghanistan bày tỏ lo sợ cho rằng Taliban khi lên nắm quyền sẽ khiến đất nước quay trở lại thời kỳ cai trị hà khắc và áp đặt như trong quá khứ. Trong luật Hồi giáo ban hành những năm 1996-2001 dưới thời Taliban, phụ nữ không được phép làm việc bình thường, và các hình phạt khắc nghiệt như ném đá, đánh roi và treo cổ được áp dụng nếu người dân phạm tội.
Tuy nhiên hiện tại, Taliban đang tìm cách thể hiện hình ảnh ôn hòa hơn những gì từng xảy ra trước đây. Lực lượng này hứa sẽ tôn trọng quyền của phụ nữ và bảo vệ cho người dân Afghanistan và cả người nước ngoài sinh sống tại đây.
Một người phát ngôn khác của Taliban là Suhail Shaheen cũng cho biết Taliban sẽ bảo vệ quyền lợi của phụ nữ, quyền tự do của những người làm việc trong ngành truyền thông và các quan chức ngoại giao.
“Chúng tôi bảo đảm người dân, đặc biệt là ở thành phố Kabul, rằng tài sản, tính mạng của họ đều được an toàn”, Suhail Shahee trả lời với báo giới, đồng thời tiết lộ một cuộc chuyển giao quyền lực sẽ được tiến hành trong vài ngày tới.
Vào sáng 15/8, lực lượng Taliban đã chiếm được thành phố Jalalabad ở miền đông Afghanistan mà không tốn một viên đạn nào. Việc chiếm giữ thành công Jalalabad cũng đồng nghĩa với việc Taliban kiểm soát luôn khu vực biên giới cửa ngõ kết nối Afghanistan với Pakistan.
Tình hình tương tự cũng diễn ra ở Mazar-i-Sharif - thủ phủ của tỉnh Balkh, thành phố lớn thứ tư Afghanistan và được xem là pháo đài của quân đội chính phủ. Việc chiếm giữ Mazar-i-Sharif cũng vô cùng nhanh chóng và không cần một tiếng súng nào.
Với việc giành quyền kiểm soát mới đây ở Kabul - thành trì cuối cùng của chính phủ Afghanistan, quân Taliban xem như đã trở lại thời kỳ nắm quyền đất nước sau nhiều thập kỷ bị đánh bại bởi sự can thiệp của Mỹ ở Afghanistan. Tổng thống Mỹ Joe Biden vẫn giữ nguyên quan điểm cho rằng việc Mỹ rút quân khỏi Afghanistan là điều phải làm, và không có lý do gì để biện minh cho “sự xuất hiện kéo dài vô tận của Mỹ trong cuộc nội chiến của một nước khác”.