Tân Tổng thống Indonesia bắt đầu chuyến công du nhấn mạnh vào kinh tế

VOH - Ngày 8/11, tân Tổng thống Prabowo Subianto bắt đầu đi Trung Quốc, thực hiện chuyến công du hàng loạt quốc gia đầu tiên trên cương vị người đứng đầu Indonesia.

Theo Nikkei Asia, ông Prabowo sẽ đến Trung Quốc, Hoa Kỳ, Peru, Brazil và Anh, từ ngày 8 đến 24/11. Chuyến đi được thực hiện 3 tuần sau khi ông nhậm chức Tổng thống của nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á.

c_Prabowo_Subianto
Tân tổng thống Prabowo Subianto - Ảnh: Setneg

Trong cuộc họp nội các trước chuyến đi, ông nói: “Tất cả điểm đến đều có giá trị chiến lược với nền kinh tế chúng ta. Các bộ trưởng phải trực điện thoại để tôi tham vấn. Chúng ta phải đàm phán, khám phá tiềm năng hợp tác cũng như giải quyết vấn đề với các quốc gia quan trọng này.”

Theo ông Prabowo, chuyến đi đến Trung Quốc, Hoa Kỳ và Anh là theo lời mời của nguyên thủ. Peru là điểm tổ chức hội nghị thượng đỉnh APEC. Brazil là nơi diễn ra hội nghị thượng đỉnh G20.

Chuyến đi này khác với truyền thống, khi lãnh đạo Indonesia thường đến thăm láng giềng đầu tiên. Từ khi nhậm chức ngày 20/10, ông Prabowo mới chỉ đón Thủ tướng Singapore Lawrence Wong ngày 6/11. Hai bên thảo luận nhiều vấn đề, như hợp tác nông nghiệp và thương mại xuyên biên giới.

Quý 3/2024, tăng trưởng của Indonesia chỉ đạt 4,95%, thấp hơn so với kỳ vọng. Điều này được dự báo gây thêm áp lực cho ông Prabowo, trong việc thu hút đầu tư nước ngoài, hướng tới mục tiêu 8% vào cuối nhiệm kỳ.

Không giống chính sách đối ngoại thận trọng của người tiền nhiệm, ông Prabowo có nhiều dấu hiệu muốn đóng vai trò tích cực hơn trên trường quốc tế. Chuyến đi hiện tại là 1 ví dụ.

Ở Trung Quốc, ông dự tính gặp Chủ tịch Tập Cận Bình. Đây là cuộc gặp thứ 2 trong năm nay. Trung Quốc cũng là nơi đầu tiên ông Prabowo đến thăm, sau khi thắng cử tháng 2/2024.

Sau Trung Quốc, ông sẽ đến Hoa Kỳ để gặp Tổng thống Joe Biden. Ông cũng đang tìm cách gặp Tổng thống đắc cử Donald Trump.

Bộ trưởng Đầu tư Indonesia Rosan Roeslani nói rằng, Tổng thống Prabowo sẽ thảo luận với phía Mỹ về số phận của Hiệp định Đối tác Chuyển đổi Năng lượng Công bằng. Được giới thiệu năm 2022, hiệp định này đề cập đến Hoa Kỳ, Nhật Bản và một số nước phát triển sẽ rót khoảng 20 tỷ USD giúp Indonesia giảm phụ thuộc vào điện than, đẩy mạnh năng lượng tái tạo. Đến nay, gần như chưa có khoản tiền nào được giải ngân. Với ông Trump, một người hoài nghi về biến đổi khí hậu, chương trình trên được dự đoán gặp nhiều rủi ro hơn.

Về xung đột Gaza, Tổng thống Biden lẫn ông Trump đều ủng hộ Israel, trong khi Indonesia nghiêng về Palestine với tư cách quốc gia Hồi giáo đông dân nhất thế giới. Điều này đã tạo ra xa cách giữa 2 nước và cần được hàn gắn.

Ông Dedi Dinarto, nhà phân tích tại Global Counsel nói: “Ông Prabowo có vẻ quyết tâm mang về những khoản đầu tư có giá trị trong tương lai, khi muốn nâng cao vị thế quốc tế của Indonesia thông qua chuyến công du. Tại Anh, ông ấy sẽ gặp giám đốc điều hành những doanh nghiệp năng lượng khổng lồ như BP. Đây là cuộc gặp ngoài lịch trình với Thủ tướng Keir Starmer và vua Charles.”

Theo ông Dinarto, tại APEC và G20, ông Prabowo sẽ lắng nghe lời kêu gọi cải cách nền quản trị toàn cầu, cũng như sẵn sàng áp dụng cho Indonesia. Ông muốn trong Liên Hợp Quốc hay Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), tiếng nói của các nước đang phát triển cần có trọng lượng hơn.

Bình luận