Tảng băng trôi A23a từng "bị mắc kẹt" quanh một ngọn núi đá ngầm trong vài tháng, theo Andrew Meijers, một nhà vật lý hải dương học tại Cơ quan Khảo sát Nam Cực của Anh.
"Hiện tại, nó đang trôi theo dòng hải lưu và không di chuyển trực tiếp về phía hòn đảo. Nhưng theo hiểu biết của chúng tôi về các dòng hải lưu, nó có khả năng sẽ sớm di chuyển về phía hòn đảo", Meijers cho biết trong một tuyên bố gửi tới CNN ngày 23/1.
Simon Wallace, một thuyền trưởng trên tàu Pharos của chính phủ Nam Georgia, nói với CNN rằng, nếu tảng băng A23a vẫn giữ nguyên hình dạng hiện tại, ông có thể dễ dàng nhìn thấy và theo dõi nó. Tuy nhiên, nguy cơ là nó có thể vỡ ra và tạo ra hàng nghìn tảng băng trôi nhỏ hơn.
Những tảng băng này trở thành vấn đề vì ông không biết chúng ở đâu cho đến khi tìm thấy chúng. Tất cả các loại băng trôi đều rất nguy hiểm, tảng băng càng lớn thì càng dễ tìm và tránh, băng nhỏ hơn thì khó phát hiện hơn nhưng không có nghĩa là chúng ít nguy hiểm hơn.
Tảng băng nhỏ hơn có thể tụ lại thành từng dải tùy thuộc vào mật độ của chúng. Dải băng này có thể không trôi qua mà lấp đầy các vịnh ở Nam Georgia khiến tàu không thể ra vào vịnh, điều này là vấn đề thực sự nghiêm trọng.
A23a là tảng băng trôi lớn nhất thế giới theo các phép đo được Trung tâm băng quốc gia Mỹ cập nhật vào đầu tháng 1/2025.
Với diện tích 3.672 km2 khi đo vào tháng 8/2024 - nhỏ hơn một chút so với Đảo Rhode và lớn hơn gấp đôi kích thước của London - tảng băng trôi A23a đã được các nhà khoa học theo dõi cẩn thận kể từ khi nó tách ra khỏi thềm băng Filchner-Ronne vào năm 1986.
Nhưng hiện tại, ít nhất là trong các hình ảnh vệ tinh, tảng băng trôi dường như vẫn giữ nguyên cấu trúc của nó và vẫn chưa vỡ thành những mảnh nhỏ hơn, giống như những "siêu tảng băng trôi" trước đây, Meijers cho biết.
Bây giờ, câu hỏi đặt ra là liệu tảng băng trôi A23a sẽ đi theo dòng hải lưu và hướng đến Nam Đại Tây Dương hay sẽ trôi và kẹt lại thềm lục địa.
Meijers cho biết: "Nếu tảng băng kẹt lại thềm lục địa, nó có thể cản trở nghiêm trọng việc tiếp cận bãi kiếm ăn của động vật hoang dã - chủ yếu là hải cẩu và chim cánh cụt - sinh sản trên đảo".
Trong khi đó, Mark Belchier, Giám đốc ngành Thủy sản và Môi trường của chính quyền Nam Georgia và Quần đảo Nam Sandwich cho biết: "Mặc dù băng trôi phổ biến ở Nam Georgia, nhưng chúng có thể gây ra tai nạn cho tàu hàng và tàu đánh cá trong khu vực".
Nam Georgia và Quần đảo Nam Sandwich có đa dạng sinh học phong phú và là nơi có một trong những Khu bảo tồn biển lớn nhất thế giới.
Các nhà khoa học cho biết, tảng băng trôi đặc biệt này có thể đã vỡ ra như là một phần chu kỳ tự nhiên của thềm băng chứ không phải do cuộc khủng hoảng khí hậu do nhiên liệu hóa thạch gây ra. Nhưng sự nóng lên toàn cầu đang dấy lên những thay đổi đáng lo ngại ở Nam Cực, với hậu quả có khả năng tàn phá với mực nước biển dâng toàn cầu.