Chờ...

Tăng trưởng ở Trung Đông bị phủ bóng đen bởi xung đột

VOH - Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), xung đột dai dẳng ở Trung Đông đang gây ra hậu quả kinh tế nghiêm trọng.

IMF vừa hạ dự báo tăng trưởng 2024 của Trung Đông và Bắc Phi, xuống còn 2,1% từ con số 2,7% đưa ra tháng 4/2024. Trong báo cáo, IMF trích dẫn nguyên nhân đến từ sự phân mảnh địa chính trị kinh tế và biến động giá hàng hóa khó kiểm soát.

c_Amman
Thủ đô Amman của Jordan từng là trung tâm du lịch lớn tại Trung Đông - Ảnh: Opreismetco

Tăng trưởng dự kiến sẽ phục hồi lên 4% vào năm 2025, khi các cuộc xung đột lắng dịu. Ông Jihad Azour, giám đốc bộ phận Trung Đông của IMF lưu ý, dự báo không thể đề cập chính xác những rủi ro tiềm ẩn từ việc liệu có leo thang xung đột hay không.

Mặc dù IMF không đưa ra con số cụ thể cho Gaza và bờ Tây, ông Azour cho biết kinh tế Gaza sẽ giảm khoảng 83% và bờ Tây giảm 30% trong năm 2024.

Nhiều người ở bờ Tây làm việc tại Israel, tuy nhiên đã bị ngưng nhập cảnh khi xung đột nổ ra, dẫn tới thiếu lao động tại Israel và tăng tỷ lệ thất nghiệp tại vùng lãnh thổ của Palestine.

Thời gian qua, Israel tăng cường nhập khẩu lao động từ Nam Á để bù đắp. Điều này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến viễn cảnh việc làm của người Palestine, cả khi chiến tranh ở Gaza kết thúc.

Những quốc gia trong khu vực không tham gia vào cuộc chiến, cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng, do giảm sút ở lĩnh vực du lịch, thương mại, năng lượng và tài chính.

Ảnh hưởng đến du lịch là đặc biệt nghiêm trọng, nhất là các quốc gia láng giềng với Israel như Jordan và Ai Cập. Thủ đô Amman của Jordan, nơi thường xuyên đông đúc du khách ngoại quốc, từ khi chiến tranh nổ ra, đã chứng kiến các khách sạn trống phòng, những cửa hàng McDonald và Starbucks thì vắng khách. Ngoài ra, còn thường xuyên chứng kiến biểu tình của người dân địa phương, nhằm phản đối Hoa Kỳ và Israel, cũng như ủng hộ người dân Gaza.

Tại Ai Cập, ngoài ngành du lịch đi xuống, doanh thu từ kênh đào Suez dự đoán cũng giảm một nửa trong năm 2024. Phiến quân Houthi thường xuyên tấn công tàu thuyền qua lại biển Đỏ, khiến các hãng vận tải phải đi đường khác, thường là vòng xuống cực nam châu Phi.

Về thị trường năng lượng, cuộc chiến không gây ra tình trạng tăng giá dầu như trước đây. Sụt giảm các hoạt động kinh tế, trực tiếp khiến giá dầu đi xuống. Các quốc gia xuất khẩu buộc phải cắt bớt sản lượng, khiến doanh thu giảm. Rủi ro địa chính trị, cũng thúc đẩy nhiều nước đẩy nhanh quá trình chuyển đổi, bớt phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch. Điều này khiến những nước sản xuất dầu lẫn không sản xuất dầu trong khu vực, đang ngày càng khó khăn trong việc huy động vốn, khiến thị trường tài chính quốc tế có phần ảm đạm.