Ông Athapol Charoenshunsa, Tổng giám đốc Cục Công viên Quốc gia, Bảo tồn Động vật hoang dã và Thực vật (DNP) cho biết, tàu MV Ayar Linn được phát hiện mắc kẹt trên một rạn san hô ở Vịnh Ao Jak vào ngày 1/6.
Các loại san hô bị ảnh hưởng bao gồm san hô xanh (Heliopora coerulea), chịu thiệt hại nặng nề nhất, chiếm 80% tổng số san hô bị ảnh hưởng. San hô gạc (Acropora) chịu khoảng 15% thiệt hại, trong khi san hô bướu (Porites lutea) chiếm 5%.
Các loài san hô khác như Platygyra daedalea, Pocillopora và Leptastrea purpurea ít bị thiệt hại hơn.

Ông Athapol cho biết, con tàu có thể đã cố gắng tránh chính quyền Myanmar, dù lý do vẫn chưa rõ ràng. Ông xác nhận hàng hóa trên tàu là hợp pháp. Con tàu đâm vào đá ngầm và bắt đầu rò rỉ, buộc thuyền trưởng phải tìm nơi neo đậu nhưng cuối cùng lại mắc cạn ở rạn san hô.
Cơ quan này ước tính, thiệt hại lên tới 12 triệu baht, bao gồm chi phí cho hoạt động lặn để điều tra tình trạng rạn san hô.
Ông Athapol cho biết, các thủ tục pháp lý đang được tiến hành, nhưng chủ tàu vẫn chưa ra mặt.
Các quan chức lo ngại rằng, hơn 3.000 bao xi măng trên tàu có thể rơi xuống biển, cùng với nguy cơ rò rỉ dầu. Ngoài ra, còn có rác thải sót lại trên rạn san hô, bao gồm bìa các tông, vải vụn, lốp cao su và ống mềm.

Người đứng đầu công viên, Kriangkrai Pohcharoen cho biết, nỗ lực phục hồi đã bị trì hoãn do điều kiện gió mùa khắc nghiệt.
Các quan chức từ nhiều cơ quan khác nhau đã họp để thảo luận về kế hoạch ứng phó nhằm ngăn ngừa rò rỉ dầu, chuẩn bị phao chắn dầu, huy động sự hỗ trợ khẩn cấp từ hải quân, theo đuổi hành động pháp lý và lập kế hoạch phục hồi môi trường.
Khu vực bị ảnh hưởng sẽ tạm thời đóng cửa để hệ sinh thái có thời gian phục hồi. Các quan chức đã kêu gọi người dân và khách du lịch tránh xa khu vực này vì lý do an toàn và ủng hộ nỗ lực phục hồi.