Lệnh cấm này, có hiệu lực từ tháng 01/2025, là kết quả của nhiều năm vận động từ các nhà hoạt động môi trường.
Trước đây, Thái Lan là một trong số các quốc gia Đông Nam Á nhận rác thải nhựa từ các nước phát triển để xử lý.
Sau khi Trung Quốc, thị trường xử lý rác thải lớn nhất thế giới, áp dụng lệnh cấm nhập khẩu rác sinh hoạt vào năm 2018, Thái Lan đã trở thành điểm đến hàng đầu của rác thải nhựa từ châu Âu, Mỹ, Anh và Nhật Bản. Riêng Nhật Bản đã xuất khẩu khoảng 50 triệu kg rác thải nhựa sang Thái Lan trong năm 2023.
Theo thống kê của cơ quan hải quan Thái Lan, từ năm 2018 đến 2021, nước này đã nhập khẩu hơn 1,1 triệu tấn nhựa phế liệu.
Bà Penchom Sae-Tang, Giám đốc tổ chức phi chính phủ Ecological Alert and Recovery (EARTH), cho biết: “Lệnh cấm nhập khẩu rác thải nhựa nên được coi là một chiến thắng của xã hội dân sự trong việc ngăn chặn rác thải độc hại vào Thái Lan”.
Tuy nhiên, bà nhấn mạnh rằng, việc giám sát chặt chẽ và hợp tác hiệu quả với các cơ quan chức năng sẽ là yếu tố quan trọng để đảm bảo lệnh cấm được thực thi nghiêm túc.
Việc nhập khẩu rác thải nhựa tại Thái Lan trước đây thường bị quản lý kém, với nhiều nhà máy đốt rác thay vì tái chế, gây tổn hại nghiêm trọng đến sức khỏe con người và môi trường.
Ông Punyathorn Jeungsmarn, nhà nghiên cứu về nhựa tại tổ chức Environmental Justice Foundation, nhận định, dù lệnh cấm nhập khẩu rác nhựa là bước tiến lớn cho Thái Lan, nhưng cần đảm bảo thực thi hiệu quả và ngăn chặn trung chuyển rác nhựa trái phép, tránh nguy cơ Thái Lan trở thành điểm trung chuyển rác nhựa sang các nước láng giềng.
Lệnh cấm được ban hành khi các cuộc đàm phán về hiệp ước toàn cầu về rác thải nhựa vẫn đang tiếp diễn.
Hơn 100 quốc gia đã ủng hộ giảm sản xuất nhựa toàn cầu, nhưng sự phản đối từ các nước sản xuất dầu mỏ như Saudi Arabia, Iran và Nga đã khiến cuộc đàm phán không đạt được thỏa thuận cuối cùng.
Giáo sư Steve Fletcher từ Đại học Portsmouth, Anh, cảnh báo rằng, việc không đạt được hiệp ước chấm dứt ô nhiễm nhựa là mối đe dọa đối với sức khỏe con người.
Ông Fletcher cho biết, nhiều nghiên cứu mới cho thấy vi nhựa có thể gây rủi ro sức khỏe lớn, bao gồm làm tăng nguy cơ đột quỵ, gây đau tim và tử vong. Ngoài ra, việc đốt rác nhựa như một phương pháp xử lý cũng làm gia tăng nguy cơ sức khỏe nghiêm trọng.
Hiện chưa có ngày cụ thể nào được ấn định cho các cuộc đàm phán tiếp theo về hiệp ước toàn cầu nhằm chấm dứt ô nhiễm nhựa.