Cụ thể, từ tháng 4 đến 9/2024, thặng dư tài khoản vãng lai của Nhật là 103 tỷ đô la Mỹ, cao hơn 12,3% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu đến từ các khoản đầu tư nước ngoài trong bối cảnh đồng yên vẫn yếu. Tài khoản vãng lai là 1 trong những chỉ số quan trọng, để Chính phủ Nhật đánh giá cán cân thương mại - đầu tư quốc tế.
Đây là thặng dư tài khoản vãng lai lớn nhất của Nhật trong nửa năm kể từ 1985.
Riêng về xuất nhập khẩu, thâm hụt thương mại của Nhật là 15,7 tỷ đô la Mỹ trong cùng kỳ, tăng 86,8% so với năm trước đó. Xuất khẩu tăng 5% và nhập khẩu tăng 7,1%.
Hiện nay đồng yên yếu, đang là vấn đề đau đầu với nhiều doanh nghiệp lẫn cơ quan Chính phủ. Do nghèo tài nguyên nên Nhật Bản phải nhập khẩu gần như mọi thứ từ xăng dầu đến lương thực. Điều này góp phần khiến giá cả sinh hoạt leo cao.
Tuy nhiên, nó cũng thúc đẩy giá trị lợi nhuận đầu tư, và là yếu tố quan trọng thu hút khách du lịch quốc tế. Hàng hóa ở Nhật trở nên rẻ hơn, nên nhiều người chọn mua sắm rồi mang về nước.
Từ tháng 4 đến tháng 9/2024, đồng yên giảm 8,2% giá trị so với đô la Mỹ và giảm 8,1% giá trị so với euro, nếu so với 1 năm trước đó. Điều này phản ánh sự chênh lệch lãi suất cao giữa Nhật Bản và các nền kinh tế lớn khác.
Nhờ lượng khách quốc tế lớn, thặng dư du lịch của Nhật đạt mức kỷ lục 20,19 tỷ đô la Mỹ, có thể bù đắp vào thâm hụt thương mại và dịch vụ.
Thặng dư du lịch nghĩa là số tiền khách nước ngoài chi tiêu ở Nhật nhiều hơn số tiền người Nhật chi tiêu ở nước ngoài.
Nhìn chung chỉ riêng trong tháng 9/2024, thặng dư tài khoản vãng lai của Nhật đạt 11,2 tỷ đô la Mỹ. Đây là mức thặng dư tháng thứ 20 liên tiếp.