Những người hút thuốc ở thủ đô tài chính và thời trang Milan của Italy có nguy cơ bị phạt vì hút thuốc trên đường phố hoặc nơi công cộng đông đúc, sau khi lệnh cấm nghiêm ngặt nhất của nước này có hiệu lực vào ngày 1/1/2025.
Những người bất chấp lệnh cấm mới có thể bị phạt từ 40 đến 240 euro (1 triệu đồng đến hơn 6 triệu đồng).
Sắc lệnh về chất lượng không khí của Milan, được hội đồng thành phố thông qua vào năm 2020, kêu gọi lệnh cấm hút thuốc ngày càng nghiêm ngặt hơn. Theo đó, từ năm 2021, việc hút thuốc ở công viên và sân chơi cũng như trạm xe buýt và cơ sở thể thao đều bị cấm.
Lệnh cấm hút thuốc mới nhất áp dụng cho "tất cả các không gian công cộng, bao gồm cả đường phố", ngoại trừ "những nơi biệt lập có thể duy trì khoảng cách ít nhất 10 mét với người khác".
Các quan chức địa phương cho biết, biện pháp này nhằm mục đích giảm các hạt bụi trong không khí để "cải thiện chất lượng không khí của thành phố, bảo vệ sức khỏe của người dân, bao gồm bảo vệ khỏi tình trạng hút thuốc thụ động ở nơi công cộng, nơi trẻ em thường lui tới".
Lệnh cấm không áp dụng đối với thuốc lá điện tử.
Lệnh cấm hút thuốc đầu tiên trên toàn quốc của Ý được ban hành vào năm 1975, bao gồm lệnh cấm hút thuốc trên phương tiện giao thông công cộng, trong lớp học và một số khu vực khác.
Vào năm 1995, lệnh cấm được mở rộng ra các khu vực hành chính công cộng và vào năm 2005 là tất cả các khu vực công cộng khép kín đều bị cấm hút thuốc lá - trở thành lệnh cấm tiên phong ở châu Âu vào thời điểm đó.
Theo Viện Thống kê Quốc gia (ISTAT) dựa trên dữ liệu năm 2023, khoảng 19% người Ý hút thuốc, thấp hơn mức trung bình 24% trong Liên minh châu Âu.
Với giá trung bình khoảng 6 euro một gói ở Italy, giá thuốc lá ở đây được đánh giá là rẻ nhất ở châu Âu, nơi giá thuốc lá phổ biến khoảng 10 euro.
Trong Liên minh châu Âu, 17 quốc gia đã thông qua luật cấm hút thuốc, trong đó Ireland, Hy Lạp, Bulgaria, Malta, Tây Ban Nha và Hungary là những quốc gia nghiêm ngặt nhất.
Ở châu Âu, Thụy Điển là nơi có ít người hút thuốc nhất, với 8% dân số hút thuốc. Tệ nhất là Bulgaria, với số người hút thuốc chiếm tới 37%.