Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận 265.341 trường hợp mắc COVID-19 và 5.813 ca tử vong.
Theo số liệu thống kê của trang worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 10/9 (giờ Việt Nam), tổng số ca nhiễm virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 27.993.641 ca, trong đó có 906.890 người thiệt mạng.
Các quốc gia có số người chết cao nhất là Mỹ, Brazil, Ấn Độ, Mexico và Anh, theo thứ tự lần lượt là khoảng 190.000, 127.000, 73.000, 68.000 và 41.000 ca tử vong.
Những nước có số ca nhiễm cao nhất là Mỹ (hơn 6,3 triệu), Ấn Độ (4,3 triệu), Brazil (4,1 triệu), Nga (hơn một triệu) và Peru (gần 700.000).
Ấn Độ hiện là nước có số ca mắc cao thứ 2 thế giới, sau Mỹ. Số ca COVID-19 tại quốc gia này gia tăng mạnh trong thời gian qua, đạt mốc 2 triệu ca vào ngày 7/8, sau đó là 3 triệu ca vào ngày 23/8 và đến ngày 5/9, số bệnh nhân đã lên tới 4 triệu ca.
Chính quyền thủ đô Tokyo (Nhật Bản) thông báo thêm 149 ca mắc mới, đánh dấu ngày thứ 2 liên tiếp số ca mắc mới vượt ngưỡng 100. Tuy nhiên, đây cũng là ngày thứ 6 liên tiếp số ca mắc mới trong ngày tại vùng đô thị 14 triệu dân này được kiềm chế dưới ngưỡng 200. Là địa phương chịu tác động mạnh nhất trong số 47 tỉnh ở Nhật Bản, hiện Tokyo ghi nhận tổng cộng 22.168 ca mắc.
Giới chức Hàn Quốc vẫn duy trì cảnh giác với các ổ dịch rải rác trên cả nước dù ngày 9/9 đánh dấu ngày thứ 7 liên tiếp số ca nhiễm mới trong ngày dưới mức 200 ca. Số ca nhiễm mới tại Hàn Quốc giảm mạnh sau ngày 27/8 - thời điểm nước này ghi nhận tới 441 ca nhiễm mới trong ngày.
Đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) ghi nhận thêm 6 ca mắc mới, mức thấp nhất trong vòng 2 tháng qua và chính quyền đặc khu quyết định gia hạn chương trình xét nghiệm diện rộng thêm 3 ngày, đến ngày 14/9.
Thổ Nhĩ Kỳ tăng cường các biện pháp phòng dịch sau khi ghi nhận thêm 1.761 ca mắc COVID-19 trong ngày 8/9, nâng tổng số ca mắc tại đây lên 283.270 ca. Trong khi đó, số ca tử vong tại nước này tăng thêm 52 ca lên 6.782 ca.
CH Séc đã ghi nhận số ca nhiễm trong một ngày ở mức cao nhất, 1.164 ca. Đây là lần đầu tiên kể từ khi dịch bùng phát hồi tháng 3, số ca nhiễm mới trong ngày vượt 1.000 ca.
Tại châu Mỹ, tổng hợp các số liệu thống kê chính thức cho biết số ca tử vong vì dịch tại khu vực Mỹ Latinh và Caribe tính đến hết ngày 8/9 đã vượt 300.000 ca, trong đó riêng tại Peru là hơn 30.000 ca tử vong.
Brazil là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong khu vực khi ghi nhận tổng số ca nhiễm virus cao thứ 3 thế giới với 4.162.073 ca và số ca tử vong cao thứ 2 toàn cầu với 127.464 ca.
Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 9/9, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 6.768 ca mắc bệnh COVID-19 so với 1 ngày trước, trong khi tổng số ca tử vong tăng lên trên 12.580 người.
Cụ thể, virus SARS-CoV-2 đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 12.585 người dân ở khu vực Đông Nam Á, tăng 178 trường hợp so với 1 ngày trước đó, trong khi số ca mắc bệnh tăng lên 522.097 ca. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là 401.565 trường hợp.
Dịch viêm đường hô hấp COVID-19 do chủng mới của virus Corona – SARS-CoV-2 – gây ra, được phát hiện lần đầu tiên ở Vũ Hán, Trung Quốc. Tổ chức Y tế Thế giới tuyên bố đây là đại dịch vào ngày 11/3.
Dịch bệnh đến nay xuất hiện và lây lan ở 213 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận 20.076.348 bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca nguy kịch giảm còn 60.582 ca và 7.010.403 ca đang điều trị tích cực.
Nhiều nước và hãng dược phẩm trên thế giới đang chạy đua để phát triển một loại vaccine chống lại đại dịch. Nga là nước đầu tiên công bố cấp phép một vaccine COVID-19. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia y tế vẫn thận trọng về độ an toàn của vaccine do Nga sản xuất, được gọi là Sputnik V, chưa trải qua giai đoạn thử nghiệm thứ ba.
K.H (tổng hợp)