Ba quốc gia có số ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Mỹ (trên 64.000 ca), Nga (40.096 ca) và Anh (39.842 ca). Tính chung từ đầu dịch đến nay, ba quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19 là Mỹ với hơn 765.700 ca tử vong, Brazil với hơn 607.500 ca tử vong, Ấn Độ đứng thứ 3 với 457.770 ca tử vong…
Trong ngày 299/10, Mỹ ghi nhận thêm hơn 51.800 người mắc, cao nhất thế giới nâng tổng số lên trên 46,7 triệu ca mắc và hơn 765.200 trường hợp tử vong.
Một nghiên cứu mới được công bố ngày 30/10 tại Mỹ cho thấy nguy cơ mắc COVID-19 sẽ cao hơn gấp 5 lần đối với những trường hợp không tiêm chủng trong khi đã từng nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh này. Nghiên cứu trên do Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) tiến hành đối với 7.000 trường hợp sinh sống tại 9 bang của Mỹ, phải nhập viện do mắc các bệnh về đường hô hấp hoặc có các triệu chứng giống như mắc COVID-19.
Ngày 29/10, Mỹ đã cấp phép sử dụng vaccine COVID-19 của Pfizer-BioNTech cho trẻ từ 5 - 11 tuổi, bước quan trọng trong cung cấp vaccine cho 28 triệu trẻ em ở nước này. Tính đến ngày 17/10, 691 trường hợp tử vong do COVID-19 ở trẻ em dưới 18 tuổi đã được báo cáo ở Mỹ với 146 ca ở nhóm từ 5 đến 11 tuổi, FDA xác nhận vào ngày 29/10.
Tại Ấn Độ, hiên có trên 34,2 triệu người mắc COVID-19, trong đó hơn 457.700 trường hợp thiệt mạng vì COVID-19 tại quốc gia Nam Á này.
Brazil hiện là điểm nóng dịch bệnh lớn thứ 3 thế giới với hơn 607.000 bệnh nhân COVID-19 tử vong trong tổng số trên 21,78 triệu người nhiễm bệnh ở quốc gia này.
Làn sóng thứ 4 của đại dịch COVID-19 đang có nguy cơ bùng phát tại châu Âu dù một số quốc gia vẫn kiểm soát tương đối tốt dịch bệnh. Một số quốc gia đang xem xét áp đặt trở lại các biện pháp để ngăn chặn làn sóng gia tăng số ca mắc bệnh và nhập viện.
Tại Nga đang thử nghiệm vaccine phòng COVID-19 dành cho trẻ vị thành niên. Dự kiến vaccine có tên gọi Sputnik M. Trước đó, Thủ tướng Nga đã quyết định phân bổ khoảng 1,5 triệu USD cho thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 vaccine Sputnik V ở trẻ em.
Ngày 29/10, nước này ghi nhận số ca tử vong cao nhất từ trước tới nay với hơn 1.160 trường hợp và là ngày thứ 9 liên tiếp số người thiệt mạng ở mức cao.
Số ca nhiễm COVID-19 mới tại Nga cũng đạt gần 40.000 trường hợp. Trong tuần đầu tiên của tháng 11, nước Nga sẽ đóng cửa tất cả các nơi làm việc trên toàn quốc. Thủ đô Moskva đã đóng cửa trường học, cửa hàng không thiết yếu và nhà hàng trong vòng 11 ngày nhằm chặn đà lây lan của dịch bệnh.
Indonesia vừa phải hủy đợt nghỉ phép tập thể cuối năm để phòng ngừa dịch COVID-19 lây lan. Công chức Indonesia sẽ không được nghỉ phép vào mọi dịp lễ quốc gia, gồm đợt lễ kéo dài từ Giáng sinh đến cuối năm. Người dân được kêu gọi ở nhà, không trở về quê nếu không có việc cấp bách. Người có nhu cầu di chuyển phải trải qua xét duyệt nghiêm ngặt, tuân thủ các yêu cầu về y tế.
Trước đó, giới chuyên gia từng cảnh báo Indonesia có thể đối mặt với làn sóng COVID-19 lần thứ 3 vào cuối năm nếu chính quyền không có biện pháp ngăn chặn dòng người di chuyển.
Thái lan phân chia lại các vùng kiểm soát dịch bệnh, giảm số lượng các tỉnh thuộc vùng đỏ sẫm trong diện kiểm soát đối đa và nghiêm ngặt từ 23 xuống còn 7 tỉnh.
Thủ đô Bangkok, nơi cùng 16 tỉnh khác sẽ mở cửa cho du khách nước ngoài được tiêm chủng mà không cần phải cách ly từ ngày 1/11, sẽ được đưa vào vùng xanh cùng với các tỉnh Krabi, Phangnga và Phuket. Với quy định mới trên, số lượng các tỉnh thuộc vùng đỏ sẽ tăng từ 30 lên 38 tỉnh, trong khi các tỉnh thuộc vùng da cam giảm xuống 23 tỉnh và số lượng các tỉnh thuộc vùng vàng là 5 tỉnh. Cũng theo quy định này, bắt đầu từ ngày 1/11, lệnh giới nghiêm ban đêm từ 23h đến 3h sẽ chỉ áp dụng ở các tỉnh thuộc vùng đỏ sẫm.
Bộ Y tế Campuchia ngày 29/10 xác nhận số ca mắc COVID-19 trong 24 giờ qua ở mức thấp nhất trong 29 ngày với 101 ca, trong đó có 18 trường hợp nhập cảnh. Bộ trên cũng thông báo về 7 ca tử vong mới, trong đó có 5 người chưa tiêm vaccine phòng bệnh. Campuchia đã bắt đầu lộ trình hướng tới khôi phục và thúc đẩy ngành du lịch trong và sau đại dịch trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 giảm liên tục kể từ đầu tháng 10.
Bộ Y tế Lào ngày 29/10 cho biết, trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 447 ca mắc mới COVID-19, trong đó có tới 432 trường hợp cộng đồng ghi nhận tại 12 tỉnh thành, còn lại là người nhập cảnh được cách ly ngay. Như vậy, đến nay, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại Lào đã lên tới 38.728 trường hợp.
Theo Bộ Y tế Singapore, nước này ghi nhận trường hợp đầu tiên nhiễm biến thể phụ AY.4.2 của chủng Delta là trường hợp mắc COVID-19 nhập cảnh ngày 26/10 và không có bằng chứng về sự lây lan ra cộng đồng từ ca bệnh này.
AY.4.2, còn được gọi là biến thể Delta Plus, là một dạng đột biến của biến thể Delta. Biến thể phụ này được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phân loại là một biến thể đáng quan tâm nhưng chưa phải là một biến chủng đáng lo ngại. Biến thể phụ này đã được phát hiện ở ít nhất 42 quốc gia trên thế giới.
Hàn Quốc ngày 29/10 đã công bố kế hoạch từng bước đưa ngành giáo dục trở lại trạng thái bình thường mới, theo đó cho phép học sinh tất cả các cấp trở lại trường học từ ngày 22/11 sau khi kết thúc kỳ thi tuyển sinh đại học 2021-2022. Các trường đại học sẽ được phép dần dần nối lại các lớp học trực tiếp bắt đầu từ ngày 1/11.
Ngày 29/10, thành phố Bắc Kinh (Trung Quốc) đã yêu cầu người dân hoãn tổ chức đám cưới và tổ chức tang lễ ngắn gọn trong bối cảnh quốc gia này đang siết chặt kiểm soát dịch bệnh khi chỉ vài tháng nữa sẽ diễn ra Thế vận hội (Olympic) mùa Đông.
Trước đó, Trung Quốc đã phong tỏa thành phố Hắc Hà. thuộc tỉnh Hắc Long Giang, với khoảng 6 triệu dân, sau khi ghi nhận 1 ca mắc COVID-19. Đây là thành phố thứ 3 ở Trung Quốc áp đặt lệnh phong tỏa.
Chính phủ Nhật Bản đã quyết định nới lỏng hạn chế về tổ chức các sự kiện thể thao, giải trí đông người trong bối cảnh số ca mắc mới COVID-19 ở nước này tiếp tục giảm trên toàn quốc. Tại thời điểm hiện nay, số người tối đa được phép tham dự các sự kiện thể thao, giải trí đông người ở 27 trong số 47 tỉnh, thành bị giới hạn ở mức 50% sức chứa của địa điểm tổ chức, nhưng không vượt quá 10.000 người.
Biến thể phụ của biến thể Delta với tên gọi là AY.4.2 không gây lo ngại, theo nhận định của các nhà khoa học Anh. AY.4.2 đang được cho là có thể dễ lây lan hơn biến thể Delta, nhưng các quan chức y tế công cộng ở Anh đã khẳng định chưa có bằng chứng đủ để chứng minh điều này. Họ cho biết thêm, AY.4.2 cũng không gây bệnh nặng hơn hoặc làm giảm hiệu quả của vaccine. Trong khi đó, các chuyên gia sinh học Anh cho biết, AY.4.2 đã thôi phát triển ở một số nước châu Âu khác như Đức và Ireland. Tuy nhiên, AY.4.2 có thể gây khó khăn cho những nước có tỷ lệ tiêm phòng thấp, vì thế các chuyên gia Anh nhấn mạnh cần đẩy mạnh độ phủ vaccine. |