Chờ...

Thế giới đã trải qua mùa hè nóng nhất trong 2.000 năm

VOH - Nghiên cứu mới đây cho thấy mùa hè năm 2023 là năm nắng nóng kỷ lục trong 2.000 năm qua, gây ra hàng loạt tác động xấu tới con người.

Cháy rừng trên khắp Địa Trung Hải, đường sá bị nứt vỡ ở Texas (Mỹ), lưới điện ở Trung Quốc hoạt động quá tải... là một vài trong những hậu quả của đợt nắng nóng kỷ lục mùa hè năm ngoái. Đây cũng là những bằng chứng cho thấy nhiệt độ toàn cầu và hiện tượng thời tiết ấm dần lên do phát thải đều đang gia tăng. 

Các nhà khoa học từng chỉ ra rằng khoảng thời gian từ tháng 6 đến tháng 8 năm ngoái là thời gian nóng nhất kể từ khi bắt đầu ghi nhận những biến động của thời tiết vào năm 1940. 

Tuy nhiên công trình nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Nature cho thấy trên thực tế, sức nóng của mùa hè 2023 có thể còn vượt xa hơn, sau khi đối chiếu với những dữ liệu khí tượng từ những năm 1800 cùng các dữ liệu về nhiệt độ dựa trên phân tích các vòng sinh trưởng của cây tại các địa điểm khác nhau. 

Theo kết quả nghiên cứu, tại các vùng đất nằm trong khoảng từ 30 độ đến 90 độ vĩ Bắc, nhiệt độ mùa hè 2023 cao hơn mức trung bình thời tiền công nghiệp 2,07 độ C.

Dựa trên dữ liệu vòng sinh trưởng của cây, nhiệt độ những tháng mùa hè năm ngoái cũng cao hơn 2,2 độ C so với nhiệt độ trung bình ước tính từ năm số 1 tới năm 1890.

Nhà khoa học khí tượng Jan Esper tại Đại học Johannes Gutenberg (Đức), đồng tác giả nghiên cứu, nói rằng: "Khi nhìn vào chiều dài lịch sử, bạn có thể thấy vấn đề nóng lên toàn cầu đang nghiêm trọng đến mức nào."

Kết quả nghiên cứu trên không hoàn toàn là điều gì quá ngạc nhiên. Hồi tháng 1 năm nay, Cơ quan theo dõi biến đổi khí hậu Copernicus (C3S) của Liên minh châu Âu nhận định rằng nhiều khả năng năm 2023 là năm nóng nhất từng được ghi nhận trên Trái Đất trong khoảng 100.000 năm qua. 

Tuy nhiên, ông Esper lại cho rằng việc ghi nhận kỷ lục trong khoảng thời gian dài như vậy là khó xảy ra. Ông và 2 nhà khoa học châu Âu khác đã tranh luận trong một bài báo rằng "các phương pháp khoa học hiện tại, bao gồm dữ liệu nhiệt độ thu được từ các nguồn như trầm tích biển hoặc mỏ than bùn, là không đủ để so sánh nhiệt độ giữa các năm trong phạm vi thời gian rộng như vậy".

Theo ông Esper, hiện tượng El Nino đã khuếch đại sức nóng gay gắt của mùa hè năm ngoái, khiến nhiệt độ toàn cầu ấm hơn, gây ra các đợt nắng nóng và hạn hán kéo dài nghiêm trọng.

Thế giới đã trải qua mùa hè nóng nhất trong 2.000 năm
Ảnh minh họa 

Sóng nhiệt cũng gây ra những tác động xấu đến sức khỏe con người. Theo kết quả nghiên cứu khác được công bố trên tạp chí y khoa PLOS Medicine, trong khoảng thời gian từ năm 1990 đến 2019, mỗi năm có hơn 150.000 trường hợp tử vong tại 43 quốc gia được xác định có liên quan đến nắng nóng, trong đó có hơn một nửa tập trung tại các khu vực đông dân ở châu Á. 

Con số này chiếm tương đương khoảng 1% số ca tử vong toàn cầu - gần bằng số tử vong do đại dịch Covid-19 gây ra trên toàn thế giới. 

Nếu chiếu theo quy mô dân số thì tỷ lệ tử vong bình quân đầu người cao nhất là ở châu Âu. Tại châu lục này mỗi năm cứ 10 triệu dân thì có trung bình 655 ca tử vong liên quan đến nhiệt độ cao. Trong đó các nước như Hy Lạp, Malta và Italy có số ca tử vong cao nhất. Nhiệt độ quá cao vượt mức chịu đựng của cơ thể có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng cho sức khỏe liên quan đến tim, khó thở hoặc gây sốc nhiệt, đột quỵ