Thổ Nhĩ Kỳ đình chỉ thực thi hiệp ước kiểm soát vũ khí quan trọng ở châu Âu

VOH - Thổ Nhĩ Kỳ đã quyết định đình chỉ thực thi một hiệp ước kiểm soát vũ khí quan trong ở châu Âu. Trước đó vào tháng 11 năm ngoái, Nga cũng có động thái tương tự.

Hãng tin TRT dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ, ông Oncu Keceli, cho biết sau khi Nga rút khỏi Hiệp ước Kiếm soát Các Lực lượng Vũ trang Thông thường ở Châu Âu (CFE) đã "việc thực thi hiệp ước này đã không còn ý nghĩa".

Trong thông cáo đưa ra ngày 5/4, ông Oncu Keceli nhấn mạnh Thổ Nhĩ Kỳ không rút khỏi CFE nhưng sẽ đình chỉ thực thi hiệp ước này. Quyết định sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 8/4 tới. Tuy nhiên ông cũng cho biết quyết định đình chỉ hiệp ước có thể thay đổi trong tương lai. 

Nga rút khỏi CFE vào tháng 11/2023 và sau đó Mỹ cũng đình chi thực thi hiệp ước này. 

CFE là hiệp ước kiểm soát vũ khí quan trọng của châu Âu, được Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Liên Xô ký kết vào năm 1990 với mục đích ngăn chặn những xung đột mới xuất hiện ở khu vực sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc.

Mục tiêu chính của CFE nhằm ngăn chặn một trong hai bên ở thời Chiến tranh Lạnh tập hợp lực lượng chống lại bên còn lại ở châu Âu. Hiệp ước đặt ra giới hạn số lượng đối với 5 loại khí tài quân sự thông thường gồm xe tăng, xe bọc thép, pháo binh, trực thăng và máy bay mà mỗi bên có thể triển khai giữa bờ biển Đại Tây Dương và dãy núi Ural.

Năm 1999, các nội dung cập nhật của Hiệp ước CFE đã được phê duyệt tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ), trong đó có điều khoản liên quan đến việc giải thể Hiệp ước Warsaw khi Liên Xô tan rã và mở rộng NATO về phía đông. 

Năm 2015, Nga đình chỉ tham gia Hiệp ước CFE, cho rằng kế hoạch của Mỹ triển khai tên lửa phòng không tại châu Âu là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự đổ vỡ của hiệp ước. 

Ngày 7/11/2023, Nga chính thức rút khỏi CFE vì cho rằng hiệp ước này "đã trở nên vô nghĩa" khi phương Tây vừa hỗ trợ quân sự cho Ukraine, vừa áp đặt các lệnh trừng phạt và thực thi các "chính sách thù địch" đối với Nga. Cùng ngày, Mỹ cũng công bố đình chỉ các nghĩa vụ của mình đối với CFE sau khi Nga rút lui. 

Ngày 8/11/2023, Canada là quốc gia tiếp theo đình chỉ CFE. Ngày 6/3/2024, Moldova cũng có động thái tương tự. 

Ngoài ra còn có Ba Lan cũng vừa tuyên bố rút khỏi hiệp ước này vào tháng trước. 

Nội dung của CFE có điều khoản nêu rõ: "Các nước thành viên có quyền rút khỏi Hiệp ước này nếu xác định rằng các diễn biến bất thường liên quan đến mục tiêu trọng tâm của Hiệp ước này đã gây ra nguy cơ và bất lợi đối với lợi ích chủ quyền và quốc gia của các nước thành viên."

Thổ Nhĩ Kỳ đình chỉ thực thi hiệp ước kiểm soát vũ khí quan trọng ở châu Âu
Ảnh minh họa

CFE không phải là hiệp ước kiểm soát vũ khí quan trọng duy nhất bị đình chỉ do căng thẳng giữa Nga và NATO. Năm 2019, Washington rút khỏi Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) ký năm 1987. Moscow cũng từ bỏ thỏa thuận này vào năm ngoái. Hai bên cáo buộc nhau vi phạm hiệp ước.

Năm 2020, Mỹ cũng rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở (OST) vốn cho phép các thành viên thực hiện các chuyến bay trinh sát không vũ trang, giám sát không phận, công khai thu thập thông tin về các lực lượng và hoạt động quân sự của nhau. Một năm sau, Nga cũng rút khỏi OST. 

Bình luận