Chờ...

Thổ Nhĩ Kỳ duyệt Thụy Điển vào NATO sau gần 2 năm trì hoãn

VOH - Thổ Nhĩ Kỳ đã phê duyệt đề nghị trở thành thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) của Thụy Điển sau 20 tháng trì hoãn.

Ngày 23/1, Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ - vốn do liên minh cầm quyền của Tổng thống Tayyip Erdogan chiếm đa số - đã bỏ phiếu phê chuẩn nghị định thư xin gia nhập NATO của Thụy Điển với kết quà 287 phiếu thuận và 55 phiếu chống. Dự kiện văn kiện phê chuẩn sẽ chính thức được Tổng thống Erdogan ký trong vài ngày tới, hoàn tất quá trình chấp thuận tư cách thành viên NATO của Ankara đối với Stockholm.

Theo quy định, khi một quốc gia muốn gia nhập NATO phải đạt được sự chấp thuận của Quốc hội tất cả các quốc gia thành viên trong khối. Năm 2022, Phần Lan và Thụy Điển cùng nộp đơn xin gia nhập NATO, song phía Thổ Nhĩ Kỳ từ chối với lý do cho rằng hai nước này có động thái bảo vệ các nhóm lực lượng mà Thổ Nhĩ Kỳ liệt vào danh sách khủng bố. 

Đến tháng 4/2023, Thổ Nhĩ Kỳ đã đồng ý tư cách thành viên NATO cho Phần Lan, song đối với Thụy Điển thì vẫn chưa được duyệt. Và đến nay sau 20 tháng trì hoãn thì Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã phê duyệt cho Thụy Điển vào NATO.

Ông Fuat Oktay, quan chức đứng đầu ủy ban đối ngoại của Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ cho biết: "Chúng tôi ủng hộ việc NATO mở rộng quy mô và tăng số lượng thành viên để cải thiện các nỗ lực của khối... Chúng tôi hy vọng động thái của Phần Lan và Thụy Điển trong việc chống khủng bố sẽ là ví dụ cho các đồng minh khác của chúng ta."

Thổ Nhĩ Kỳ duyệt Thụy Điển vào NATO
Từ trái qua: Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg và Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson tại cuộc họp trước thềm hội nghị thượng đỉnh NATO ở Lithuania, ngày 10/7/2023 - Ảnh: Reuters

Việc Thổ Nhĩ Kỳ phê chuẩn cho Thụy Điển vào NATO nhận được sự ủng hộ và hoan nghênh từ các quan chức nước này và các nước trong khối. 

Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson hoan nghênh quyết định của Thổ Nhĩ Kỳ. Trong bài đăng trên mạng xã hội X, ông viết: "Hôm nay, chúng tôi đã tiến gần thêm một bước đến mục tiêu trở thành thành viên của NATO", và khẳng định đây là diễn biến tích cực.

Ngoại trưởng Thụy Điển, ông Tobias Billstrom cũng thể hiện sự ủng hộ, và nói rằng giờ đây Thụy Điển chỉ còn mong chờ chữ ký phê duyệt của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ để hoàn tất quá trình. 

Phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng John Kirby nói: "Thụy Điển là đối tác mạnh, có năng lực quốc phòng và việc Stockholm gia nhập NATO sẽ giúp liên minh an toàn hơn, mạnh hơn". Còn Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết: "Tôi mong chờ Hungary hoàn tất phê chuẩn sớm nhất có thể."

Như vậy, cho đến nay chỉ còn Hungary là quốc gia duy nhất chưa "bật đèn xanh" cho Thụy Điển. Thủ tướng Hungary, ông Viktor Orban, vốn có mối quan hệ tích cực với Tổng thống Nga Vladimir Putin. 

Thủ tướng Hungary cho biết đã mời người đồng cấp Thụy Điển đến Budapest để thảo luận về việc gia nhập NATO. Hiện tại Quốc hội Hungary đang trong lịch nghỉ đến giữa tháng 2 năm nay. 

So với các thành viên khác trong NATO thì Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary duy trì mối quan hệ tốt hơn với Nga. 

Trong khi các nước khác trong khối thể hiện sự phản đối mạnh mẽ chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine, thì Ankara lại chỉ trích các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Moscow. Phía Nga cũng nhiều lần khẳng định sẽ đáp trả nếu NATO mở rộng quy mô và củng cố cơ sở hạ tầng quân sự ở hai quốc gia Bắc Âu là Phần Lan và Thụy Điển.

Việc trở thành thành viên của NATO đánh dấu sự thay đổi lớn trong chính sách đối ngoại trung lập của nước này lâu nay khi không tham gia bất kỳ liên minh quân sự nào. Việc Thụy Điển vào NATO được cho rằng sẽ tăng cường khả năng phòng thủ của liên minh này tại khu vực Biển Baltic nằm sát với Nga.