Chờ...

Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phục dựng các di tích lịch sử sau động đất kinh hoàng

(VOH) – Ngày 17/2, Bộ trưởng Văn hóa và Du lịch Thổ Nhĩ Kỳ Mehmet Nuri Ersoy khẳng định các di tích lịch sử bị tàn phá trong thảm họa động đất ở nước này sẽ được khôi phục.

Bộ trưởng Mehmet Nuri Ersoy cho biết huyện Antakya là một mảnh ghép quan trọng, là nơi các tín ngưỡng giao lưu.

Ông khẳng định Bộ Văn hóa và Du lịch Thổ Nhĩ Kỳ sẽ chịu trách nhiệm với mọi công trình đã đăng ký trong khu vực và nỗ lực phối hợp để phục dựng các cơ sở có ý nghĩa quan trọng. Bắt đầu thực hiện từ tháng 3/2023.

Theo Bộ trưởng Ersoy, các di tích lịch sử ở Antakya đã được xác nhận và đánh dấu để các đội dọn dẹp hiện trường động đất tránh làm tổn hại tới các di tích này.

Trận động đất mạnh 7,8 độ đã làm rung chuyển Thổ Nhĩ Kỳ, khiến 84.726 tòa nhà đã bị đổ sập, có nguy cơ sập hoặc bị hư hại nghiêm trọng. Trong số những vùng bị tàn phá có cả các khu định cư lâu đời nhất ở Anatolia và nhiều di tích lịch sử.

Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phục dựng các di tích lịch sử sau động đất kinh hoàng 1
Đống đổ nát của tòa nhà sập sau động đất ở thành phố Antakya của Thổ Nhĩ Kỳ. 

Huyện Antakya, thuộc tỉnh Hatay ở miền Nam, là một trong những địa phương bị tàn phá nặng nề nhất.

Ra đời từ thế kỷ thứ tư trước Công nguyên, Antakya đã từng là nơi hình thành nhiều nền văn minh, từ thời Alexander Đại đế tới Đế chế Ottoman và cũng là một trong những trung tâm sớm nhất của đạo Thiên Chúa.

Habib-i Najjar - đền thờ Hồi giáo đầu tiên trong lãnh thổ của Thổ Nhĩ Kỳ hiện đại đã bị phá hủy hoàn toàn.

Một đền thờ nổi tiếng khác cũng bị tàn phá trong trận động đất vừa qua là đền Ulu, được xây dựng từ thế kỷ 16.

Nhà thờ các thánh Peter và Paul ở trung tâm Antakya cũng bị phá hủy. Nhà thờ được xây dựng lần đầu vào những năm 1830 với kiến trúc hoàn toàn bằng gỗ trước khi đổ sập trong trận động đất năm 1872.