Chờ...

Thông điệp từ cuộc phỏng vấn giữa tổng thống Putin và nhà báo Carlson

VOH - Theo The Economist, cuộc phỏng vấn của nhà báo Mỹ Tucker Carlson với tổng thống Putin đến nay vẫn gây ra nhiều tranh luận, nhất là trong nội bộ phương Tây.

Một trong số câu hỏi đầu tiên, liên quan đến mối đe dọa mà nước Nga cảm nhận từ Mỹ và NATO. Tổng thống Putin trả lời bằng cách mượn hình ảnh về Rurik - một thủ lĩnh người Varangian thế kỷ thứ 9, rồi đến triều đại Yaroslav thời trung cổ và cuộc chiến của các bộ tộc Nga với quân đội Mông Cổ.

Cuộc phỏng vấn của nhà báo Carlson và tổng thống Putin - Ảnh: RNZ
Cuộc phỏng vấn của nhà báo Carlson và tổng thống Putin - Ảnh: RNZ

Đối với một số người cực hữu ở Mỹ, lãnh đạo Nga là người theo chủ nghĩa thực tế và thực dụng, là chiến binh của Cơ đốc giáo và Chính thống giáo. Đặc biệt, 1 người rất quan tâm đến lịch sử, nhất là mối liên hệ giữa Nga và Ukraine.

Cuộc phỏng vấn được ghi hình tại Điện Kremlin vào ngày 6/2 và phát trực tuyến 2 ngày sau đó. Đây là cuộc phỏng vấn đầu tiên của ông Putin với 1 nhà báo phương Tây kể từ cuộc chiến bùng phát tháng 2/2022. Nó diễn ra vào thời điểm then chốt ở nhiều khía cạnh và nhiều quốc gia. Thiếu trang thiết bị và đạn dược đang cản trở cuộc phản công của Ukraine. Tại Mỹ, các đảng viên Đảng Cộng hòa trong Quốc hội vẫn chia rẽ về việc ủng hộ Ukraine, bầu cử tháng 11/2024 đang nóng dần và ông Donald Trump tiếp tục gây ra những cơn bão dư luận.

Nhà báo Carlson được cho là ủng hộ nhiều tư tưởng của ông Trump, từng làm việc tại Fox News đến năm 2023. Cuộc phỏng vấn này có thể góp phần khuấy động nền chính trị Mỹ.

Khi được hỏi liệu 1 chính quyền khác ở Washington có thể giúp hàn gắn quan hệ với Nga hay không? Tổng thống Putin nói rằng, vấn đề không phải ở người lãnh đạo, mà có thể là cơ chế và tư duy. Ông nhiều lần đổ lỗi cho NATO về cuộc chiến hiện nay tại Ukraine. Không ít người theo chủ nghĩa biệt lập tại Mỹ ủng hộ lý thuyết này. Điều đó nghĩa là, NATO tạo ra sự đe dọa với Nga, buộc Moscow phải ra tay trước. Theo tổng thống Putin, cuộc tấn công tháng 2/2022 là để ngăn chặn cuộc chiến mà Ukraine bắt đầu vào năm 2014 sau cuộc đảo chính do CIA hậu thuẫn. Nga đã rút khỏi Kiev trong giai đoạn đầu chiến tranh như 1 cử chỉ thiện chí trong đàm phán. Chính phủ Ukraine hiện nay và tổng thống của họ đang thúc đẩy các hệ tư tưởng Quốc xã và bài Nga.

Theo một số ý kiến, nhà báo Carlson vẫn còn nhiều câu hỏi chưa đưa ra với lãnh đạo Nga. Ví dụ các tội ác chiến tranh ở Ukraine hay Moscow đàn áp người chỉ trích trong nước. Ví dụ lãnh đạo đối lập Alexei Navalny.

Một số nhận xét của tổng thống Putin được cho là sẽ thúc đẩy suy nghĩ, rằng ủng hộ Ukraine không có lợi cho nước Mỹ. Ông giải thích nhiều chính trị gia Mỹ thổi phồng nguy cơ vũ khí hạt nhân của Nga, chỉ là cách để người dân nộp thuế nhiều hơn, nhằm tăng cường viện trợ Ukraine. Ông cũng phủ nhận việc Nga có ý định tấn công Ba Lan hay Latvia. Khi được hỏi viễn cảnh Mỹ triển khai quân tới mặt trận Ukraine, lãnh đạo Nga hỏi lại: “Các anh không có việc gì hay hơn để làm sao? Ví dụ vấn đề biên giới và nợ công.”

Một điều dễ nhận thấy qua cuộc phỏng vấn, là lãnh đạo Nga đến giờ vẫn tức giận với vai trò của phương Tây trong các cuộc chiến liên quan đến Nam Tư và Kosovo thập niên 1990. Trong các nền dân chủ, quá trình chuyển giao quyền lực là liều thuốc để xoa dịu những bất bình này, giúp mối quan hệ giữa những quốc gia được hàn gắn và tiếp tục. Nhưng 1/4 thế kỷ qua, ông Putin duy trì quyền lực vững chắc ở Nga, và giữa nguyên mối bất bình.