Đất nước sẽ bước vào giai đoạn tái thiết.
Cuộc phỏng vấn diễn ra tại thủ đô Damascus, nơi ông al-Shara nhấn mạnh rằng Syria sẽ ổn định và phát triển trong tương lai gần, đồng thời khẳng định phương Tây không cần phải lo ngại về tình hình đất nước này.
"Syria sẽ được tái thiết", al-Shara tuyên bố, đồng thời khẳng định rằng chiến tranh sẽ chấm dứt sau khi phe nổi dậy nắm quyền.
Tuy nhiên, chiến dịch tiến công của HTS đã gây ra lo ngại về nguy cơ phân biệt đối xử đối với các cộng đồng thiểu số ở Syria, như người Kurd, Alawite và Cơ đốc giáo.
Trước những lo ngại này, al-Shara đã bác bỏ, cho rằng nguyên nhân chính gây ra sự lo sợ đến từ các lực lượng khác như các nhóm dân quân Iran, Hezbollah và chính quyền Assad, cam kết không để đất nước hoảng loạn trở lại.
Thủ lĩnh HTS cũng chỉ trích chính quyền cũ của Syria, nói rằng Syria đã bị tàn phá bởi "lòng tham và nạn tham nhũng" trong suốt nhiều năm qua. Ông tuyên bố rằng tất cả các thế lực nước ngoài từng tìm cách kiểm soát Syria đều đã thất bại.
Liên minh do HTS dẫn đầu, sau khi chiếm thủ đô Damascus vào ngày 8/12, đã buộc Tổng thống Bashar al-Assad phải rời khỏi đất nước.
Mặc dù sự đoàn kết giữa các nhóm vũ trang nổi dậy trong liên minh này được đánh giá cao, giới chuyên gia lo ngại rằng sự đồng lòng này có thể không kéo dài lâu và Syria có thể rơi vào tình trạng hỗn loạn nếu các phe phái tiếp tục tranh giành quyền lực.
Ngày 10/12, lực lượng nổi dậy cũng đã bổ nhiệm Mohammad al-Bashir làm thủ tướng lâm thời, người sẽ chịu trách nhiệm lãnh đạo chính phủ chuyển tiếp cho đến ngày 1/3/2025.
Trong cuộc phỏng vấn sau khi được bổ nhiệm, ông al-Bashir kêu gọi "sự ổn định và yên bình" cho người dân Syria.
HTS, nhóm nổi dậy có tiền thân là Mặt trận al-Nusra, chi nhánh của al-Qaeda tại Syria, đã bị Mỹ liệt vào danh sách khủng bố. Chính phủ Mỹ hiện đang treo thưởng 10 triệu USD cho ai cung cấp thông tin giúp bắt được al-Shara.
Tuy nhiên, thủ lĩnh HTS đã cố gắng tách mình khỏi quá khứ cực đoan và theo đuổi một chính sách đa nguyên, khoan dung trong những năm qua.
Một trong những thách thức lớn nhất là tái thiết đất nước này trong bối cảnh thiếu thốn nguồn lực.
Theo ước tính của Liên hợp quốc, Syria cần hàng trăm tỷ USD để phục hồi cơ sở hạ tầng, điều mà một chính phủ lâm thời như của al-Bashir khó có thể tự mình đảm nhận.
Việc thiết lập lòng tin với cộng đồng quốc tế cũng là một bài toán nan giải.