Ông Mark Rutte được dự báo sẽ trở thành người đứng đầu NATO khi ông Jens Stoltenberg kết thúc nhiệm kỳ vào tháng 10 tới.
Phát biểu tại buổi họp báo bên lề cuộc gặp với Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ở Washington, ông Jens Stoltenberg chưa lên tiếng xác nhận cũng không phủ nhận thông tin trên.
Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg đánh giá ông Rutte là "một ứng cử viên rất nặng ký" và "có nhiều kinh nghiệm", đồng thời cho biết việc bầu chọn ra người lãnh đạo tiếp theo cho NATO sắp hoàn tất, và theo ông đó là "tin tốt lành cho tất cả chúng ta, cho NATO và cho cả bản thân ông".
Theo hãng tin Reuters, Tổng Thư ký mới của NATO sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức khi vừa phải duy trì sự hỗ trợ của các nước đồng minh dành cho Ukraine trong chiến sự với Nga, vừa phải bảo đảm không để xảy ra leo thang căng thẳng dẫn đến một cuộc xung đột trực tiếp với Moscow.
Kể từ khi chiến dịch quân sự đặc biệt nổ ra ở Ukraine, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte là một trong những lãnh đạo ở Liên minh châu Âu (EU) thúc đẩy hỗ trợ quân sự cho Ukraine và nhiều lần khẳng định tầm quan trọng của việc bảo đảm nền hòa bình tại châu lục.
Dưới thời lãnh đạo của ông Rutte, Hà Lan đã tăng ngân sách quốc phòng lên ngưỡng trên 2% GDP như yêu cầu của NATO, cung cấp nhiều máy bay chiến đấu F-16 cùng nhiều loại vũ khí, đạn dược cho Kiev.
Ông Rutte, 57 tuổi, nhận được sự ủng hộ trở thành Tổng Thư ký mới của NATO từ các thành viên chủ chốt của khối như Mỹ, Anh, Pháp, Đức và Thổ Nhĩ Kỳ. Bản thân ông Rutte cũng nhìn nhận chỉ còn thiếu sự ủng hộ từ Slovakia và Romania.
Tuy nhiên, trước bản tin của NOS vài giờ thì các nước gồm Hungary và Slovakia cũng đã lên tiếng ủng hộ ông Rutte đảm nhiệm chức vụ mới này.
Hiện chỉ còn Romania không ủng hộ ông Rutte trở thành lãnh đạo tiếp theo của NATO. Tổng thống Romania Klaus Iohannis cũng tuyên bố muốn ứng cử vào vị trí này. Theo quan điểm của ông Iohannis, các nước Đông Âu nên có nhiều đại diện hơn ở các vị trí lãnh đạo trong liên minh này.
NATO đưa ra quyết định theo nguyên tắc đồng thuận nên bất cứ ứng viên nào trở thành Tổng Thư ký mới cũng cần có sự ủng hộ của toàn bộ 32 quốc gia thành viên.