Theo RBA, những thay đổi đột ngột và chưa từng có trong các chính sách thương mại toàn cầu hiện nay, đặc biệt là từ phía Mỹ, có thể làm giảm sản lượng, ảnh hưởng tới việc làm và gây ra áp lực giảm giá hàng hóa giao dịch. Mặc dù hiện tại chưa thể xác định được toàn diện mức độ ảnh hưởng, RBA nhấn mạnh đang theo dõi sát diễn biến này để điều chỉnh chính sách kịp thời nếu cần thiết.
Bối cảnh cảnh báo trên được đưa ra khi Australia vừa điều chỉnh lãi suất cơ bản xuống 3,85% vào tháng trước – mức thấp nhất trong vòng hai năm qua. Đây được xem là động thái mở đường cho các chính sách tiền tệ nới lỏng hơn nhằm ứng phó với những biến động kinh tế toàn cầu.
Trong báo cáo mới nhất, RBA cũng lưu ý rằng, những mức thuế quan mới từ Mỹ có thể khiến các nhà sản xuất lớn – đặc biệt là Trung Quốc – phải chuyển hướng xuất khẩu sang các thị trường khác. Điều này không chỉ ảnh hưởng tới dòng chảy thương mại quốc tế mà còn khiến Mỹ đối mặt nguy cơ giảm phát, thay vì lạm phát như nhiều lo ngại trước đó.

Ngân hàng Trung ương Australia hiện đang xây dựng và phân tích hai kịch bản chính. Kịch bản thứ nhất là tình huống bất lợi nghiêm trọng, trong đó các rào cản thương mại gia tăng mạnh mẽ, dẫn đến đình trệ kinh tế toàn cầu. Kịch bản thứ hai là khả năng hòa dịu, nếu các biện pháp thuế quan được dỡ bỏ và các chuỗi cung ứng được khôi phục lại thông suốt.
Trong khi đó, tình hình lạm phát tại Australia đang có dấu hiệu hạ nhiệt. Theo số liệu quý đầu năm nay, chỉ số lạm phát giá tiêu dùng (CPI) giữ ở mức 2,4%, trong khi chỉ số lạm phát cơ bản – thước đo loại trừ các yếu tố biến động cao – đã giảm về mức 2,9%. Đây là lần đầu tiên kể từ cuối năm 2021, lạm phát của Australia trở lại trong phạm vi mục tiêu 2% – 3% mà RBA đề ra.
Diễn biến này cho phép RBA có thêm dư địa để điều chỉnh lãi suất và củng cố chính sách ổn định vĩ mô. Tuy nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang bị tác động mạnh bởi các tranh chấp thương mại và xu hướng bảo hộ gia tăng, cơ quan này vẫn tỏ ra thận trọng.
Thông điệp được RBA nhấn mạnh là nếu các chính sách thuế quan thiếu phối hợp tiếp tục được mở rộng, nguy cơ suy giảm thương mại toàn cầu sẽ trở thành hiện thực, gây ảnh hưởng không nhỏ tới các nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu như Australia. Chính vì vậy, việc duy trì đối thoại và hợp tác đa phương được xem là yếu tố then chốt để giảm thiểu rủi ro cho thị trường toàn cầu trong thời gian tới.