Phần Lan và Thụy Điển cùng nhau từ bỏ hàng thập kỷ chính sách không liên minh quân sự và nộp đơn xin gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) vào tháng 5/2022, vài tháng sau khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Tuy nhiên hiện tại chỉ mới có Phần Lan nhận được sự chấp thuận của toàn bộ thành viên NATO để trở thành thành viên chính thức của khối; còn Thụy Điển vẫn chưa được Hungary và Thổ Nhĩ Kỳ bật đèn xanh.
Giới chuyên gia cho rằng quá trình chờ đợi của Thụy Điển kéo dài càng lâu, quốc gia này càng đối mặt nhiều vấn đề an ninh nghiêm trọng, khi họ đã từ bỏ chính sách trung lập, nhưng lại chưa được bảo vệ bởi Điều 5 của hiệp ước NATO.
Ông Robert Dalsjo, nhà phân tích tại Viện Nghiên cứu Quốc phòng Thụy Điển (FOI), cho rằng: "Nếu tình trạng bế tắc kéo dài hơn, nó có thể gây rắc rối cho kế hoạch quốc phòng của cả hai bên."
Theo ông Jacob Westberg, phó giáo sư về nghiên cứu chiến tranh tại Đại học Quốc phòng Thụy Điển, dù Stockholm thường xuyên tham gia các cuộc tập trận chung với NATO, nhưng việc chưa được kết nạp khiến họ không thể tham gia đầy đủ vào kế hoạch quốc phòng của khối.
Điều này khiến Thụy Điển gần như bị gạt ra bên lề trong các hành động của NATO. Nếu liên minh cần nhanh chóng triển khai nguồn lực quân sự tới các nước vùng Baltic và Phần Lan, "họ sẽ phải hoạt động bên ngoài lãnh thổ Thụy Điển", khiến nỗ lực bị chậm trễ hơn, theo Westberg.
Ông Westberg đặc biệt lưu ý rằng kế hoạch phòng thủ chung giữa Thụy Điển và Phần Lan, xây dựng từ năm 2014, sẽ không thể tiếp tục như cũ sau khi Helsinki gia nhập NATO. Là một thành viên của liên minh, Phần Lan sẽ phải ưu tiên các nghĩa vụ quân sự của họ đối với khối.
Còn theo bà Anna Wieslander, giám đốc khu vực Bắc Âu tại tổ chức nghiên cứu Hội đồng Đại Tây Dương, ngoài những trở ngại về hoạch định chiến lược quân sự trong tương lai, bất đồng về quá trình gia nhập của Thụy Điển có thể phơi bày rạn nứt trong liên minh NATO.
"Nếu NATO không tìm được cách để kết nạp Thụy Điển, họ sẽ tự thể hiện mình là một liên minh quân sự yếu ớt", bà Wieslander nói. Bà nhận định tình trạng chia rẽ kéo dài trong nội bộ khối cuối cùng sẽ ảnh hưởng tới nỗ lực hỗ trợ Ukraine.