Thụy Điển kêu gọi tàu Trung Quốc hỗ trợ điều tra vụ đứt cáp quang ngầm ở Biển Baltic

VOH - Thụy Điển yêu cầu tàu buôn Trung Quốc - con tàu bị nghi làm đứt 2 tuyến cáp quang dưới Biển Baltic - di chuyển vào vùng biển Thụy Điển để hỗ trợ điều tra.

Ngày 26/11, Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson cho biết nước này kêu gọi tàu buôn Trung Quốc di chuyển vào vùng biển Thụy Điển để hỗ trợ cho cuộc điều tra của quốc gia Bắc Âu này về các vụ đứt cáp quang ngầm xảy ra gần đây ở Biển Baltic.

Con tàu được nhắc đến là tàu buôn mang tên Yi Peng 3 của Trung Quốc. Tuần trước, hải quân Đan Mạch cho biết đang ở gần vị trí của tàu Yi Peng 3, khi con tàu này đang neo đậu trong vùng biển quốc tế nhưng nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Đan Mạch.

Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson cho biết nước này đã liên lạc với con tàu và phía Trung Quốc, và đề nghị con tàu di chuyển trở lại vùng biển của Thụy Điển để tạo điều kiện thuận lợi cho công tác điều tra.

ce6b1fad-bff0-4c4a-a581-2d94f1dd-1732600695576917593144_jpg
Tàu buôn Trung Quốc Yi Peng 3 đang neo đậu trên vùng biển Kattegat và bị tàu tuần tra hải quân Đan Mạch giám sát - Ảnh: EPA

Trước đó vào ngày 17 và 18/11, 2 tuyến cáp quang dưới biển Baltic là BPS East-West Interlink và C-Lion1 đã bị đứt trong vùng biển gần Thụy Điển, Lithuania, Phần Lan và Đức.

Tàu buôn Trung Quốc Yi Peng 3 được phát hiện ở gần địa điểm xảy ra sự cố và neo đậu trong khu vực hẹp của eo biển Kattegat từ ngày 19/11, khiến các nước như Đan Mạch, Thụy Điển và Phần Lan nghi ngờ có hành vi phá hoại.

Cảnh sát Thụy Điển và Phần Lan đang tiến hành điều tra, trong khi Đan Mạch trao đổi với phía Trung Quốc và các nước liên quan khác về vụ việc.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh khẳng định Bắc Kinh duy trì liên lạc với các bên nhưng chưa cung cấp thêm thông tin chi tiết về con tàu.

Theo chuyên gia an ninh Đan Mạch Jacob Kaarsbo, tất cả các dấu hiệu đều cho thấy con tàu Trung Quốc này phải chịu trách nhiệm về việc làm hư hại cáp. Ông Kaarsbo cho biết con tàu này đã khởi hành từ một cảng của Nga và giảm tốc độ tại hai địa điểm xảy ra sự cố. Tuy nhiên, ông cho rằng khả năng cao tàu này do Nga thuê để thực hiện hành vi phá hoại thay vì liên quan trực tiếp đến Trung Quốc.

Bình luận