Người này từng bị kết án 22 tháng tù giam vì tội làm gián điệp cho Trung Quốc.
Tin cho hay, Dorjee Gyantsan từng tham gia các hoạt động gián điệp tại Thụy Điển, bao gồm thu thập thông tin về nơi ở và quan hệ gia đình của những người Tây Tạng lưu vong rồi giao cho các quan chức Trung Quốc để đổi lấy những khoản "tiền thưởng".
Theo trang mạng xiwangzhiye cho hay, quyết định trục xuất Dorjee Gyantsan của chính phủ Thụy Điển nhằm ngăn ngừa mối đe dọa đến an ninh quốc gia.
Dorjee Gyantsan năm nay 52 tuổi, được cấp quyền cư trú tại Thụy Điển sau khi xin tị nạn tại nước này vào năm 2000.
Sau khi được cấp quyền cư trú, Dorjee Gyantsan bắt đầu có những hành vi và việc làm khiến cơ quan an ninh Thụy Điển cảm thấy nghi ngờ.
Ngày 26/2/2017, Dorjee Gyantsan bị cảnh sát Thụy Điển bắt giữ và bị kết án 22 tháng tù.
Giới chức Thụy Điển cho hay, Dorjee Gyantsan đã tham gia các hoạt động gián điệp từ tháng 7/2015 - 2/2017, bao gồm thu thập thông tin về nơi ở và quan hệ gia đình của những người Tây Tạng lưu vong, rồi giao cho các quan chức Trung Quốc để đổi lấy những khoản "tiền thưởng".
Theo công tố viên Mats Ljungqvist của Thụy Điển, Dorjee Gyantsan đã nhiều lần đến Ba Lan để gặp gỡ với các quan chức Trung Quốc nhằm cung cấp cho họ những thông tin về cộng đồng người Tây Tạng đang sinh sống tại Thụy Điển. Đổi lại, ông Dorjee Gyantsan sẽ nhận được những khoản "tiền thưởng" bằng tiền mặt.
Ông Ljungqvist cũng cho biết thêm rằng tên gián điệp Dorjee Gyantsan từng có lần được trả khoảng 6.000 USD cho việc cung cấp thông tin.
Cách đây vài ngày, chính phủ Mỹ cũng vừa bắt giữ một người đàn ông gốc Tây Tạng thuộc lực lượng cảnh sát New York.
Người này tên là Baimadajie Angwang, bị truy tố tội làm gián điệp cho chính phủ Trung Quốc, đảm nhiệm việc thu thập thông tin của những người Tây Tạng, sau đó báo cáo trực tiếp với quan chức lãnh sự quán Trung Quốc tại New York.
Trước đó, một gián điệp Trung Quốc tên là Charlie Peng đã bị cảnh sát Ấn Độ bắt giữ tại Delhi vào tháng 8. Ngoài ra, 3 gián điệp khác chuyên cung cấp thông tin tình báo cho chính phủ Trung Quốc mới đây cũng đã bị chính phủ Ấn Độ bắt giữ.
Một quan chức Tây Tạng lưu vong cho biết, chính quyền Trung Quốc bắt đầu tiến hành các hoạt động theo dõi người Tây Tạng kể từ năm 1980, bao gồm cả việc cố tình gây mâu thuẩn trong cộng đồng những người Tây Tạng lưu vong.
Ông cảnh bảo những người Tây Tạng trên khắp thế giới nên đề cao cảnh giác nhằm tránh gặp phải những mối đe dọa từ gián điệp Trung Quốc.