Ngày 27/7, Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson bày tỏ "vô cùng quan ngại" về những hậu quả nếu tiếp tục diễn ra các cuộc biểu tình, trong đó có hành vi báng bổ bản sao cuốn kinh Koran.
Ông lưu ý: "Nếu họ (người biểu tình) được phép, chúng ta sẽ phải đối mặt với một số ngày có nguy cơ rõ ràng xảy ra điều gì đó nghiêm trọng. Tôi vô cùng lo lắng về hệ lụy từ những gì mà hành vi này gây ra."
Chính phủ Thụy Điển nhiều lần chỉ trích việc người biểu tình đốt kinh Koran ở Stockholm, gọi đây là hành động "bài Hồi giáo".
Trong bối cảnh tình hình an ninh Thụy Điển phải đối diện với nhiều nguy cơ sau vụ đốt kinh Koran, Chính phủ Thụy Điển ngày 27/7 đã chỉ thị 15 cơ quan chức năng đẩy mạnh công tác phối hợp trong cuộc chiến chống khủng bố.
Theo đánh giá của Cơ quan An ninh Quốc gia Thụy Điển, nước này đã bị chuyển “từ mục tiêu tiềm tàng… thành mục tiêu ưu tiên” của các âm mưu tấn công khủng bố.
Thủ tướng Kristersson nhấn mạnh để đối phó với tình hình hiện nay, 15 cơ quan chính phủ bao gồm quân đội Thụy Điển và các đơn vị thực thi pháp luật được giao nhiệm vụ “tăng cường công việc” dưới sự chỉ đạo của cơ quan tình báo nước này.
Bộ Ngoại giao Thụy Điển đầu tháng 7 năm nay nhấn mạnh "cực lực lên án hành động đó," đồng thời khẳng định hành vi này không phản ánh quan điểm của Chính phủ Thụy Điển.
Ngày 26/7, Thủ tướng Kristersson cảnh báo nước này đang là mục tiêu của các chiến dịch thông tin sai lệch vốn lợi dụng làn sóng biểu tình phản đối các vụ đốt kinh Koran gần đây.