Cuộc bao vây bắt đầu vào tháng 8 tại mỏ ở thị trấn Stilfontein, cách Johannesburg khoảng 150 km, đã cắt đứt nguồn cung cấp thực phẩm và nước trong nhiều tháng nhằm buộc thợ mỏ phải lên mặt đất để bắt giữ.
Vào đầu tuần này, chính quyền đã sử dụng một lồng kim loại để bắt đầu cứu người và thi thể khỏi hố, một hoạt động dự kiến sẽ kéo dài trong nhiều ngày.
"Chúng tôi không biết chính xác có bao nhiêu người vẫn còn ở đó", Bộ trưởng Cảnh sát Nam Phi Senzo Mchunu nói với đài truyền hình eNCA.
Ông cho biết, thật khó để nói khi nào tất cả thợ mỏ sẽ được đưa lên, đồng thời nói thêm, khi từng thợ mỏ dưới lòng đất lên, không ai đếm cả.
Trong một tuyên bố, cảnh sát cho biết đã tìm thấy 51 thi thể tính đến đêm 14/1. Khoảng 106 người sống sót được kéo ra khỏi mỏ vào ngày 14/1 đã bị bắt vì tội khai thác trái phép.
Trong nhiều thập kỷ, ngành công nghiệp kim loại quý của Nam Phi đã phải đấu tranh với nạn khai thác bất hợp pháp, gây thiệt hại cho chính phủ và ngành công nghiệp hàng trăm triệu đô la mỗi năm do mất doanh thu, thuế và tiền bản quyền, theo ước tính của một cơ quan trong ngành khai khoáng.
Thông thường, những người này tập trung vào các mỏ bị bỏ hoang vì chúng không còn khả thi về mặt thương mại trên quy mô lớn. Những người khai thác không có giấy phép là những người liều lĩnh, sẽ khai thác bất cứ thứ gì còn sót lại.
Chính phủ Nam Phi cho biết, cuộc bao vây mỏ Stilfontein là cần thiết để chống lại hoạt động khai thác mỏ bất hợp pháp. Nhưng người dân và các nhóm nhân quyền đã chỉ trích cuộc đàn áp này, một phần của chiến dịch mang tên "Đóng lỗ hổng".