Tin giả tràn lan thời Covid-19: Làm sao nhận diện?

(VOH) - Dịch bệnh Covid-19 bùng phát toàn cầu đã nuôi dưỡng và thổi bùng lên một đại dịch khác - đại dịch tin giả. Các chuyên gia đang kêu gọi công chúng tiến hành "vệ sinh thông tin" cho chính mình.

1. Dừng lại và suy nghĩ

Bạn muốn nắm bắt nhanh chóng đầy đủ thông tin để phổ biến và giúp đỡ gia đình, bạn bè. Vì vậy, khi nhận được lời khuyên hữu ích nào mới - dù qua email, WhatsApp, Facebook hoặc Twitter - có thể bạn sẽ nhanh tay chuyển đến cho người thân ngay.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng điều đầu tiên mà bạn có thể làm để ngăn chặn luồng thông tin sai lệch đó là chỉ cần dừng tay lại một chút và suy nghĩ. Nếu có bất kỳ nghi ngờ nào, tạm dừng việc chuyển tiếp thông tin, hãy cân nhắc và dành thời gian kiểm tra thêm.

2. Kiểm tra nguồn thông tin

Trước khi bạn chuyển bất kỳ thông tin nào đi, hãy hỏi một số câu hỏi cơ bản là thông tin này đến từ đâu. Nên đề cao cảnh giác nếu thông tin bạn có đến từ những nguồn kiểu như "bạn của một người bạn" hoặc "hàng xóm của đồng nghiệp của dì tôi"…

Trong thông tin bạn chuyển đi, có thể có một số chi tiết khá chính xác. Ví dụ, thời dịch bệnh Covid-19 như hiện nay thì một bài viết khuyến khích mọi người thường xuyên rửa tay để làm chậm sự lây lan của virus là điều rất nên làm. Tuy nhiên, biết đâu những chi tiết khác trong cùng bài viết đó lại có khả năng gây hại, hay đưa ra những tuyên bố chưa được chứng minh về cách chữa trị, chẩn đoán bệnh thì sao?

Gần đây, mạng xã hội tại Việt Nam không thiếu những thông tin như trên, nào là dùng nước tỏi đun sôi để uống hay sử dụng trứng gà, cần tây sẽ chữa được Covid-19. Những tin thế này không giúp ích được gì mà ngược lại càng làm tình hình thêm rối ren, người dân thêm hoang mang và đổ xô tìm mua, sử dụng vô ích.

Tin giả tràn lan thời Covid-19: Làm sao để tránh?

Chúng ta cần tỉnh táo và cân nhắc trước luồng thông tin khổng lồ được truyền đi với tốc độ vũ bão như hiện nay. Ảnh: ABC News

Bà Claire Milne - phó tổng giám đốc của tổ chức chuyên kiểm chứng thông tin Full Fact có trụ sở tại Anh, khẳng định: “Các nguồn thông tin đáng tin cậy nhất vẫn là từ các cơ quan y tế chính thống như Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) hay hệ thống dịch vụ y tế quốc gia của Anh (NHS)… Hãy nhớ, các chuyên gia vẫn có thể mắc sai lầm, nhưng họ vẫn đáng tin cậy hơn nhiều so với người họ hàng xa nào đó trên mạng xã hội của một ai đó.

3. Đó có thể là tin giả không?

Nhìn thoáng qua, tin giả có vẻ trông rất giống tin thật. Hàng giả, hàng nhái thì luôn được làm sao cho giống hàng thật nhất có thể.

Các tội phạm công nghệ cao, hackers có thể mạo danh các tài khoản chính thức để lan truyền thông tin giả mạo, thậm chí ngay cả tài khoản của chính phủ một nước cũng có thể bị tấn công. Các ảnh chụp màn hình cũng có thể được sửa đổi để làm cho nó trông giống như tin đến từ một cơ quan chính thống đáng tin cậy.

Trước khi chia sẻ những tin bạn nhận được, nên kiểm tra tài khoản chia sẻ đó và trang web nguồn để xác minh. Nếu bạn không thể dễ dàng tìm thấy thông tin, đó có thể là một trò lừa bịp. Và nếu một bài đăng, video hoặc một liên kết trông có vẻ đáng nghi - thì có lẽ nó đáng nghi thật.

Ngoài ra, theo bà Claire Milne, các dạng thông tin viết toàn bằng một kiểu chữ hay ngôn ngữ ít phổ biến nào đó, hoặc xuất hiện các phông chữ không khớp trong bài đăng cũng có thể là dấu hiệu để giới kiểm tra thông tin hay dùng để xác định đây là một bài đăng có thể đưa tin sai lệch.

Tin giả tràn lan thời Covid-19: Làm sao để tránh?

Tin giả - Vấn nạn nhức nhối trên mạng xã hội. Ảnh: Tuổi Trẻ

4. Không chắc đây là tin đúng? Đừng chia sẻ nó

Đừng chuyển tiếp mọi thông tin chỉ vì "nhỡ may tin này đúng'', làm như thế bạn sẽ gây ra nhiều tai hại hơn là lợi ích.

Thông thường mọi người hay đăng tin từ những nguồn mà chúng ta biết có chuyên gia trong đó - như bác sĩ hoặc chuyên gia y tế. Điều đó có thể ổn, nhưng hãy chắc chắn rằng bạn đã suy nghĩ kỹ về những nghi ngờ của mình. Và hãy cẩn thận - thông tin mà bạn chia sẻ sau đó có thể bị chỉnh sửa, cắt ghép sai lệch hoàn toàn so với nội dung ban đầu.

5. Kiểm tra từng sự việc một

Dạo trước, từng có một đoạn âm thanh được lưu hành rộng rãi trên WhatsApp. Người đọc trong đoạn âm thanh này nói rằng cô ấy đang dịch lời khuyên từ một "đồng nghiệp có một người bạn" làm việc tại một bệnh viện ở vùng có dịch bệnh. Đoạn âm thanh này sau đó đã được chia sẻ rộng rãi bởi rất nhiều người trên khắp thế giới. Sau khi xác minh, đó là đoạn âm thanh pha trộn của những lời khuyên chính xác và không chính xác.

Khi bạn nhận được một danh sách lời khuyên dài, thật dễ để tin vào tất cả mọi thứ, chỉ vì bạn biết chắc chắn rằng một trong những lời khuyên - như nói về việc rửa tay thường xuyên chẳn hạn - là đúng.

Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng như thế, hãy chắc chắn rằng bạn đã kiểm tra từng sự việc một trong chuỗi thông tin đó trước khi chia sẻ chúng.

Tin giả tràn lan thời Covid-19: Làm sao để tránh?

Tin giả tràn lan trên mạng xã hội tại Việt Nam thời gian qua. Ảnh: Facebook

6. Các bài viết gây nhiều cảm xúc: Hãy coi chừng!

Những bài viết gây cảm xúc mạnh thường có nội dung khiến chúng ta sợ hãi, tức giận, lo lắng hoặc vui mừng. Đây là dạng bài viết được chia sẻ rất nhanh vì đánh thẳng vào tâm lý con người. Những bài viết này lan truyền nhanh chóng và rộng rãi còn hơn cả con virus mà nhân loại đang đau đầu hiện nay.

Bà Claire Wardle từ First Draft - một tổ chức chuyên xử lý và kiểm chứng các thông tin sai lệch - cho biết: “Sợ hãi là một trong những động cơ lớn nhất khiến cho thông tin sai lệch phát triển mạnh mẽ.” Do đó, những lời kêu gọi người đọc phải có hành động cấp thiết trước một vấn đề nào đó sẽ được viết ra để làm gia tăng sự lo lắng - vì vậy hãy cẩn thận.

"Mọi người đều muốn giúp người thân được an toàn, vì vậy khi thấy những bài viết như “Mẹo phòng chống virus hiệu quả” hoặc “Hãy dùng thuốc bổ” thì mọi người đều sẽ nhanh chóng chia sẻ và lan truyền thông tin” - bà Claire nói.

7. Tự xem xét lại niềm tin hiện hữu

Khi bạn chia sẻ điều gì đó, bạn biết đó là sự thật đã được kiểm chứng - hay thông tin đó trùng khớp với niềm tin đang hiện hữu của bạn?

Carl Miller - Giám đốc nghiên cứu của Trung tâm Phân tích truyền thông xã hội tại Viện nghiên cứu Demos, (Anh) nói rằng chúng ta có khuynh hướng chia sẻ các bài đăng có nội dung củng cố niềm tin hiện có của mình.

Cần thẳng thắn nhìn nhận rằng, một trong những căn nguyên rất cốt lõi khiến cho tin giả “có đất sống” trên môi trường mạng xã hội chính từ sự cả tin, dễ dãi và tâm lý đám đông của những người sử dụng mạng xã hội. Do đó, mỗi người dân cần nâng cao ý thức trong quá trình tiếp nhận thông tin.

Chúng ta nên tìm hiểu thông tin chính thức mà các cơ quan truyền thông chính thống đang truyền tải đến người dân. Đồng thời, cần xác minh lại nguồn tin khi có băn khoăn hoặc hoang mang, lo lắng. Không vội vã chia sẻ hoặc có các ý kiến kích động, hùa theo đám đông đối những thông tin chưa thật chắc chắn. Vì đôi khi, chỉ một hành động nhỏ của mình mà hậu quả gây ra cho cộng đồng lại khôn lường. Hãy chậm lại để có thời gian suy nghĩ, phân tích và kiểm chứng.