- Hàn Quốc và Mỹ phóng loạt tên lửa đáp trả Triều Tiên
- Nga, Trung Quốc mâu thuẫn với Mỹ trong giải quyết vấn đề Triều Tiên
- Tổng thống Putin ký luật sáp nhập 4 vùng của Ukraine
- Nhật Bản mở lại Đại sứ quán tại Ukraine sau 7 tháng đóng cửa
- Ấn Độ: Xe đám cưới lao xuống vực, ít nhất 25 người thiệt mạng
- Bangladesh: Sập lưới điện quốc gia, hơn 3/4 đất nước mất điện
- Mỹ và Iran đạt được thỏa thuận về vấn đề trao đổi tù nhân
- Italy hủy án phạt đối với Apple và Amazon
- Giải Nobel Vật lý 2022: Tôn vinh các nghiên cứu về lĩnh vực lượng tử
Hàn Quốc và Mỹ phóng loạt tên lửa đáp trả Triều Tiên
Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc thông báo quân đội nước này và Mỹ ngày 5/10 đã phóng 4 tên lửa đất đối đất ra vùng biển phía Đông trong khuôn khổ một cuộc tập trận chung, một ngày sau khi Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo tầm trung (IRBM) qua vùng trời Nhật Bản.
Thông báo cho biết mỗi bên đã phóng 2 tên lửa hệ thống tên lửa chiến thuật lục quân (ATACMS), đều bắn trúng mục tiêu giả định và thể hiện năng lực của liên minh trong việc răn đe các hành động gây hấn.
Tuy nhiên, hãng tin Reuters cho biết quân đội Hàn Quốc cũng xác nhận 1 tên lửa Hyunmoo-2 của Hàn Quốc đã rơi ngay sau khi phóng, song không gây thương vong.
Động thái trên được đưa ra một ngày sau khi Triều Tiên đã phóng 1 tên lửa IRBM từ bãi phóng Mupyong-ri ở tỉnh Jagang miền Bắc nước này. Đây là lần phóng IRBM đầu tiên của Bình Nhưỡng trong 8 tháng. Tên lửa đã bay 4.600km qua Nhật Bản và đáp xuống Thái Bình Dương.
Trong một phản ứng, Mỹ và Hàn Quốc cùng ngày đã tập trận không quân và một máy bay tiêm kích F-15K của Hàn Quốc đã thả 2 quả bom tấn công trực diện phối hợp (JDAM) tại một đảo ở Hoàng Hải.
Nga, Trung Quốc mâu thuẫn với Mỹ trong giải quyết vấn đề Triều Tiên
Tên lửa đạn đạo mà Cộng hòa Dân chủ Nhân dân (CHDCND) Triều Tiên phóng qua vùng biển Nhật Bản là tên lửa đầu tiên bay qua lãnh thổ nước này trong vòng 5 năm qua. Phía Nhật Bản đã kích hoạt hàng loạt cảnh báo khẩn đến người dân. Nước này cũng nhận định đây là tên lửa có tầm hoạt động xa nhất từ trước đến nay, lên đến 4.600 km.
Mỹ và các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc đồng loạt lên án hành động này của Triều Tiên, cho rằng đây là động thái nguy hiểm và liều lĩnh, vi phạm nghiêm trọng các quy chuẩn an ninh quốc tế.
Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc, bà Linda Thomas-Greenfield, đã kêu gọi Hội đồng Bảo an (HĐBA) Liên Hiệp Quốc mở một cuộc họp công khai để thảo luận về vấn đề Triều Tiên.
Các nước gồm Anh, Pháp, Albania, Na Uy và Ireland cũng thể hiện sự đồng thuận với Mỹ. Tuy nhiên, đại diện Trung Quốc và Nga cho biết họ phản đối việc mở cuộc họp công khai về vấn đề Triều Tiên, và cho rằng phản ứng của HĐBA nên điều chỉnh theo hướng xoa dịu tình hình trên Bán đảo Triều Tiên.
Tổng thống Putin ký luật sáp nhập 4 vùng của Ukraine
Hôm nay 5/10, Tổng thống Vladimir Putin đã chủ trì lễ tuyên bố sáp nhập 4 vùng lãnh thổ của Ukraine gồm: Donetsk, Lugansk, Kherson và Zaporizhzhia vào Nga. Trước đó, Nga đã tổ chức trưng cầu ý dân tại bốn vùng này và cho biết đa số cư dân ở đây đã ủng hộ việc sáp nhập.
Nhật Bản mở lại Đại sứ quán tại Ukraine sau 7 tháng đóng cửa
Theo hãng tin Kyodo, ngày 5/10, chính phủ Nhật Bản thông báo nước này sẽ mở lại Đại sứ quán tại Ukraine sau 7 tháng đóng cửa do lo ngại tình hình xung đột ở nước sở tại.
Với thông báo này, Nhật Bản là quốc gia cuối cùng trong Nhóm Các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) mở lại Đại sứ quán tại Ukraine.
Các nước thành viên còn lại - gồm Anh, Canada, Pháp, Đức, Italy và Mỹ - đều đã mở lại Đại sứ quán tại Ukraine trước mùa hè năm nay.
Ấn Độ: Xe đám cưới lao xuống vực, ít nhất 25 người thiệt mạng
Ít nhất 25 người đã thiệt mạng sau khi một xe buýt chở khách dự đám cưới gặp nạn lao xuống vực ở bang Uttarakhand thuộc miền bắc Ấn Độ. Theo giới chức địa phương, vào thời điểm xảy ra tai nạn, có hơn 40 người trên xe. Khi đang trên đường di chuyển từ làng Laldhang tới tham dự một lễ cưới ở làng Bironkhal thuộc bang Uttarakhand, đến đoạn đường đồi núi hiểm trở, chiếc xe đột ngột mất lái và lao xuống hẻm núi sâu khoảng 500m ở quận Pauri Garhwal vào ngày 4/10.
Nguyên nhân của vụ tai nạn hiện chưa được công bố, tuy nhiên theo kết quả điều tra ban đầu, cảnh sát nghi ngờ chiếc xe buýt gặp nạn khi đang chạy quá tốc độ, đâm vào rào chắn và cây trước khi lao xuống hẻm núi.
Các vụ tai nạn giao thông đường bộ thường xảy ra tại Ấn Độ. Nguyên nhân là do phương tiện cũ, đường sá xuống cấp và lái xe bất cẩn.
Bangladesh: Sập lưới điện quốc gia, hơn 3/4 đất nước mất điện
Lưới điện quốc gia của Bangladesh đã gặp sự cố, ngừng hoạt động từ khoảng 14h (giờ địa phương) ngày 4/10, khiến 75% - 80% lãnh thổ mất điện, ảnh hưởng đến hàng trăm triệu dân.
Một cuộc điều tra đang được tiến hành để tìm hiểu nguyên nhân sập mạng lưới. Được biết, khoảng 45% các khu vực mất điện đã khôi phục lại thành công nguồn điện cung cấp. Những khu vực còn lại, theo Ban Phát triển điện lực Bangladesh, tập trung ở khu vực miền đông nước này.
Từ ngày 19/7, Bangladesh đã triển khai các biện pháp tiết kiệm năng lượng và đóng cửa các nhà máy điện trong bối cảnh giá nhiên liệu trên toàn cầu gia tăng đang ảnh hưởng nghiêm trọng tới nền kinh tế nước này. Tháng trước, trong một báo cáo của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), tăng trưởng kinh tế của Bangladesh sẽ chậm lại còn 6,6% so với dự báo trước đó là 7,1% trong năm tài chính 2022.
Các nhà máy điện chạy bằng động cơ diesel sản xuất khoảng 6% sản lượng điện của Bangladesh, vì vậy việc ngừng hoạt động của các nhà máy này trong bối cảnh cắt giảm nhập khẩu nhiên liệu đã khiến sản lượng điện thâm hụt lên tới 1.500 MW.
Mỹ và Iran đạt được thỏa thuận về vấn đề trao đổi tù nhân
Mỹ và Iran đã đạt được thỏa thuận trao đổi tù nhân, trong đó bao gồm nội dung dỡ bỏ phong tỏa đối với các quỹ của Iran ở nước ngoài.
Hãng tin Nour ngày 4/10 cho biết 4 tù nhân tại Iran sẽ được phóng thích để đổi lấy 4 người bị giam giữ ở Mỹ. Bên cạnh đó, những tài sản của Iran bị ngăn chặn, chủ yếu là ở Hàn Quốc, cũng sẽ được dỡ phong tỏa theo thỏa thuận này.
Trao đổi tù nhân là một trong những vướng mắc chủ yếu trong các cuộc đàm phán hạt nhân tại Vienna, Áo nhằm khôi phục thỏa thuận hạt nhân mà Iran đã ký với các cường quốc thế giới trong năm 2015 - có tên gọi chính thức là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA). Tuy nhiên, Tehran liên tục yêu cầu Washington không gắn vấn đề này với việc khôi phục thỏa thuận hạt nhân nêu trên nêu trên.
Italy hủy án phạt đối với Apple và Amazon
Một tòa án hành chính ở Italy đã hủy bỏ án phạt do cơ quan chống độc quyền của nước này đưa ra đối với các công ty công nghệ khổng lồ của Mỹ là Apple và Amazon với “cáo buộc thông đồng”.
Theo đó, cơ quan chống độc quyền Italy đã phạt Apple và Amazon tổng cộng hơn 200 triệu Euro (195,3 triệu USD) trong năm 2021, với lý do 2 doanh nghiệp này hợp tác chống cạnh tranh trong việc bán các sản phẩm của Apple và Beats.
Đầu năm nay, khoản tiền phạt đã giảm xuống còn tổng cộng là 173,3 triệu Euro do lỗi tính toán. Amazon đã ra tuyên bố hoan nghênh quyết định trên của tòa án. Cơ quan chống độc quyền Italy từ chối phát biểu, trong khi Apple chưa đưa ra bình luận.
Giải Nobel Vật lý 2022: Tôn vinh các nghiên cứu về lĩnh vực lượng tử
Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển công bố giải Nobel Vật lý năm 2022 trao cho 3 nhà khoa học Pháp, Mỹ, Áo về “các thí nghiệm với các photon ở trạng thái vướng mắc lượng tử, phá vỡ bất đẳng thức Bell và khoa học thông tin lượng tử tiên phong”.
3 nhà khoa học gồm Alain Aspect (75 tuổi), sinh ra tại Agen, Pháp. Người thứ hai là John F.Clauser (80 tuổi), sinh tại Pasadena, Mỹ. Người thứ ba là Anton Zeilinger (77 tuổi), sinh tại Ried im Innkreis, Áo.
Theo trang Nobelprize.org, 3 chủ nhân của Nobel Vật lý 2022 từng thực hiện các thí nghiệm đột phá bằng cách sử dụng trạng thái vướng mắc lượng tử. Các thí nghiệm của họ đã phá vỡ bất đẳng thức Bell, do nhà vật lý lượng tử lừng danh John Stewart Bell đưa ra từ những năm 1960, cho thấy những tiềm năng ngoài dự đoán của cơ học lượng tử. John F.Clauser phát triển các ý tưởng của John Stewart Bell và đi đến một thí nghiệm thực tiễn.
Điều này đồng nghĩa cơ học lượng tử không thể bị thay thế bằng một lý thuyết sử dụng các biến ẩn. Một số lỗ hổng vẫn còn tồn tại sau thí nghiệm của John F.Clauser. Trong khi đó, Alain Aspect đã phát triển thiết lập này và giúp lấp kín một lỗ hổng quan trọng.
Với những công cụ tinh vi và hàng loạt thí nghiệm, Anton Zeilinger sử dụng các trạng thái vướng víu lượng tử. Nhóm nghiên cứu của ông đã chứng minh hiện tượng viễn tải lượng tử, giúp di chuyển trạng thái lượng tử từ một hạt này sang hạt khác ở khoảng cách xa.
Các kết quả của 3 nhà khoa học mở đường cho việc ứng dụng công nghệ mới và lĩnh vực nghiên cứu sâu rộng như máy tính lượng tử, mạng lượng tử và truyền thông lượng tử.