Chờ...

Tin thế giới sáng 14/12: Mỹ chuyển hệ thống Patriot cho Ukraine; IAEA cử thanh sát viên đến châu Âu

(VOH) - Một số thông tin khác: Mỹ buộc tội 5 người Nga và 2 người Mỹ vì mua bán thiết bị phục vụ quân sự bất hợp pháp; Trung Quốc công bố quy định mới về dịch vụ thông tin mạng.

Mỹ sắp chuyển giao hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot cho Ukraine

Ngày 13/12, hãng tin Reuters dẫn nguồn tin từ 3 quan chức Mỹ cho biết, Mỹ đang hoàn thành kế hoạch cung cấp hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot cho Ukraine. Việc chuyển giao sẽ được công bố chính thức trong tuần này, sớm nhất là vào khoảng thứ Năm (theo giờ Mỹ) khi đạt được sự chấp thuận chính thức từ Tổng thống Joe Biden và Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin.

Ukraine nhiều lần đề nghị các nước phương Tây hỗ trợ các hệ thống phòng không trước các mối đe dọa từ các đợt không kích của Nga nhằm vào các cơ sở hạ tầng năng lượng của nước này.

Tin thế giới sáng 14/12: Mỹ chuyển hệ thống Patriot cho Ukraine; IAEA cử thanh sát viên đến châu Âu
Hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot của Mỹ. Ảnh: Reuters

Hệ thống phòng thủ tên lửa đất đối không Patriot do tập đoàn Raytheon Technology của Mỹ phát triển có khả năng đánh chặn các loại tên lửa đang lao tới. Đây là một trong những hệ thống phòng không tiên tiến nhất của Mỹ, được nhận xét là “tiêu chuẩn vàng về thống tên lửa”. Tyu nhiên, Patriot thường xuyên trong tình trạng “khan hàng” và các nước đồng minh của Mỹ trên toàn thế giới đều mong muốn sở hữu.

Trước đó, Mỹ cũng đã cung cấp hệ thống tên lửa đất đối không tiên tiến (NASAMS) cho Ukraine để giúp tăng cường khả năng phòng không của nước này trước các cuộc tấn công của Nga.

Mỹ buộc tội 5 người Nga và 2 người Mỹ vì mua bán thiết bị phục vụ quân sự bất hợp pháp

Ngày 13/12, Mỹ đã công bố bản cáo trạng gồm 16 tội danh buộc tội 5 công dân Nga và 2 công dân Mỹ vì những âm mưu liên quan đến hoạt động rửa tiền và thay mặt Chính phủ Nga mua sắm các thiết bị phục vụ mục đích quân sự.

Theo bản cáo trạng, các bị cáo đã tiến hành mua các loại linh kiện, thiết bị điện tử có nguồn gốc từ Mỹ và xuất khẩu bất hợp pháp sang Nga. Những thiết bị này nằm trong danh sách nhạy cảm, được quản lý chặt chẽ và có thể được dùng để phát triển vũ khí hạt nhân hay vũ khí siêu thanh, hoặc sử dụng trong điện toán lượng tử và các ứng dụng phục vụ quân sự khác.

Ngoài ra, các bị cáo bị buộc tội buôn lậu đạn dùng cho súng trường - hành vi vi phạm lệnh trừng phạt mới của Mỹ được áp dụng vào hồi đầu năm.

Tuyên bố của Bộ Tư pháp Mỹ cho biết, trong số những người bị buộc tội có một người nghi là sĩ quan thuộc Tổng cục An ninh Liên bang Nga (FSB). Hai người Mỹ trong cáo trạng đã bị bắt; còn năm công dân Nga thì chỉ mới bắt được một người ở Estonia, đang chờ hoàn tất thủ tục dẫn độ qua Mỹ còn bốn người Nga còn lại vẫn chưa bị bắt.

IAEA cử thanh sát viên tới nhiều nhà máy điện hạt nhân của Ukraine

Ngày 13/12, Thủ tướng Ukraine Denys Shmygal cho biết Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) đã nhất trí cử các nhóm thanh sát viên thường trực tới các nhà máy điện hạt nhân của nước này tại các thành phố Zaporizhzhia, Rivne, Khmelnytskyi, Pivdennoukrainska và Chernobyl.

Các nhà máy điện hạt nhân của Ukraine là mối quan tâm chính trong suốt thời gian qua khi diễn ra chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine do những lo ngại có thể xảy ra sự cố hạt nhân.

Trong số những nhà máy mà thanh sát viên IAEA sẽ đến làm việc, nhà máy Zaporizhzhia là nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu, cung cấp khoảng 1/5 lượng điện cho Ukraine trước xung đột với Nga. Các lò phản ứng tại đây tuy đã ngừng hoạt động nhưng nhiên liệu hạt nhân vẫn có nguy cơ tan chảy nếu hệ thống làm mát bị mất điện. Các cuộc pháo kích ở Ukraine đã khiến nguồn điện cung cấp cho hệ thống làm mát của nhà máy nhiều lần bị gián đoạn.

Tin thế giới sáng 14/12: Mỹ chuyển hệ thống Patriot cho Ukraine; IAEA cử thanh sát viên đến châu Âu
Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia ở tỉnh Zaporizhzhia, miền nam Ukraine hồi tháng 10/2022. Ảnh: Reuters

Trung Quốc công bố quy định mới về dịch vụ thông tin mạng

Mới đây, Cơ quan Quản lý không gian mạng của Trung Quốc (CAC), Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin và Bộ Công an nước này đã công bố các quy định mới về quản lý dịch vụ thông tin mạng nhằm bảo vệ người dùng khỏi bị giả mạo dữ liệu bằng công nghệ “deepfake”.

Tin thế giới sáng 14/12: Mỹ chuyển hệ thống Patriot cho Ukraine; IAEA cử thanh sát viên đến châu Âu
Một ví dụ về việc gương mặt của người dùng được đưa vào video có sử dụng công nghệ deepfake.

CAC cho biết, các quy định mới đối với các nhà cung cấp nội dung thay đổi dữ liệu khuôn mặt và giọng nói sẽ có hiệu lực từ ngày 10/1/2023. Quy định mới yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ xây dựng, kiện toàn chế độ quản lý và các biện pháp bảo đảm về công nghệ, ban hành các quy tắc quản lý công khai, xác nhận thông tin cá nhân thực đối với người sử dụng và xây dựng cơ chế tố cáo, khiếu nại, kháng cáo.

Theo CAC, động thái này nhằm hạn chế rủi ro có thể phát sinh từ các hoạt động cung cấp các nền tảng sử dụng công nghệ học máy và thực tế ảo để thay đổi bất kỳ nội dung trực tuyến nào, đồng thời nhằm thúc đẩy sự phát triển lành mạnh của ngành công nghiệp này.