Tin thế giới sáng 19/5: Hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc và các nước Trung Á | Lũ lụt lịch sử ở Italy

VOH - Một số thông tin khác: Giải cứu 34 người trong số 52 người di cư bị bắt cóc khi đang trên đường đến Mỹ; Anh lên kế hoạch đưa tàu sân bay trở lại Thái Bình Dương.

Giải cứu 34 người trong số 52 người di cư bị bắt cóc khi đang trên đường đến Mỹ

Ngày 18/5, cảnh sát Mexico đã giải cứu thành công 34 người di cư tại một trang trại - gồm 14 phụ nữ, 10 trẻ nhỏ và 10 nam giới. Những người này thuộc nhóm 52 người bị bắt cóc trên một chiếc xe buýt tại bang Nuevo Leon ở miền bắc Mexico, giáp biên giới với Mỹ vào ngày 16/5. Chiếc xe buýt cũng đã được tìm thấy trong cùng khu vực. 

Phần lớn con tin bị bắt cóc đến từ các quốc gia Trung Mỹ đang trên đường tới biên giới Mexico - Mỹ để tìm cách nhập cư trái phép vào Mỹ.

Theo Văn phòng Công tố bang San Luis Potosi, trước đó những kẻ bắt cóc đã liên lạc với chính quyền địa phương, yêu cầu khoản tiền chuộc 1.500 USD đối với mỗi con tin.

Tình trạng tội phạm có tổ chức liên quan các vụ buôn người di cư đang ngày càng gia tăng tại Mexico trong bối cảnh Mỹ bãi bỏ chính sách biên giới từng áp đặt vào giai đoạn dịch Covid-19, qua đó cho phép nước này nhanh chóng trục xuất nhiều người nhập cư trái phép.

Tin thế giới sáng 19/5: Hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc và các nước Trung Á | Lũ lụt lịch sử ở Italy
Chiếc xe buýt chở theo 50 người di cư và 2 tài xế được cơ quan chức năng tìm thấy ở Nuevo Leon - Ảnh: Daily Mail

Khai mạc hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc và các nước Trung Á

Ngày 18/5, hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc và các nước Trung Á đã chính thức khai mạc. Đây là lần đầu tiên diễn ra hội nghị này sau hơn 30 năm Trung Quốc thiết lập quan hệ chính thức với các nước Trung Á.

Được tổ chức tại thành phố Tây An ở tỉnh Thiểm Tây - đầu phía đông của Con đường Tơ lụa lịch sử nối liền Trung Quốc với châu Âu thông qua Trung Á, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho biết hội nghị lần này có "ý nghĩa quan trọng, mang tính bước ngoặt", đồng thời khẳng định Trung Á là khu vực quan trọng, là "lựa chọn chiến lược" của Bắc Kinh.

Ngoài việc tham dự hội nghị thượng đỉnh, Tổng thống các nước gồm Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan và Uzbekistan cũng lần lượt có các chuyến thăm cấp nhà nước tới Trung Quốc từ ngày 16 đến ngày 20/5.

Các động thái ngoại giao này phản ánh rõ nỗ lực của Trung Quốc nhằm tăng cường quan hệ với các nước láng giềng Trung Á, khu vực được cho là đang dần đóng vai trò chiến lược của lục địa Á - Âu, cầu nối giữa phương Đông và phương Tây.

Tin thế giới sáng 19/5: Hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc và các nước Trung Á | Lũ lụt lịch sử ở Italy
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại lễ ký kết với Tổng thống Uzbekistan Shavkat Mirziyoyev bên lề Hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc - Trung Á tại Tây An, tỉnh Thiểm Tây - Ảnh: AFP

Nhiều người chết trong trận lũ thảm khốc nhất thế kỷ ở Italy

Lũ lụt lịch sử ở vùng Emilia-Romagna, phía bắc Italy, đã cướp đi sinh mạng của 9 người, trong khi nhiều nạn nhân vẫn đang mất tích. Ước tính 20.000 người mất nhà cửa trong trận lũ nghiêm trọng trải khắp 41 thành phố và thị trấn.

Lực lượng cứu hộ đã triển khai 2.000 hoạt động cứu hộ trên khắp khu vực và tại một số khu vực ở trung tâm Marche cũng bị lũ lụt tấn công.

Ông Stefano Bonaccini, lãnh đạo vùng Emilia-Romagna, nói rằng thiệt hại của trận lũ tương đương sự tàn phá từ trận động đất xảy ra ở khu vực này vào năm 2012 khiến 28 người thiệt mạng.

Trước trận lũ lụt này, Emilia-Romagna và các khu vực khác ở miền bắc Italy đã bị hạn hán tàn phá khiến đất đai khô cằn, giảm khả năng hấp thụ nước.

Tin thế giới sáng 19/5: Hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc và các nước Trung Á | Lũ lụt lịch sử ở Italy
Lũ lụt ở vùng Emilia-Romagna, phía bắc Italy, được đánh giá là thảm khốc nhất ở Italy trong 100 năm qua - Ảnh: Reuters.

Anh lên kế hoạch đưa tàu sân bay trở lại Thái Bình Dương

Phát biểu trong chuyến đi tới Nhật Bản để dự Hội nghị thượng đỉnh G7 ngày 18/5, Thủ tướng Anh Rishi Sunak cho hay Hải quân nước này đã lên kế hoạch đưa tàu sân bay HMS Queen Elizabeth trở lại khu vực Thái Bình Dương như một phần của nhóm tác chiến tàu sân bay của lực lượng này vào năm 2025.

"Việc đưa nhóm tác chiến tàu sân bay tới Thái Bình Dương sẽ cho phép Hải quân Anh phối hợp với lực lượng phòng vệ Nhật Bản và các đối tác khác trong khu vực nhằm bảo vệ hòa bình và ổn định tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương", ông Sunak nhấn mạnh.

Thủ tướng Sunak đã tới thăm một căn cứ hải quân tại Tokyo. Tại đây, ông Sunak cam kết sẽ tăng gấp đôi số lượng binh sĩ Anh trong cuộc tập trận sắp tới với Nhật Bản.

 

Bình luận