Triều Tiên phóng tên lửa hành trình ra biển Hoàng Hải
Sáng 2/9, Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc (JSC) cho biết Triều Tiên đã phóng một số tên lửa hành trình về phía biển Hoàng Hải vào khoảng 4 giờ sáng (giờ địa phương, tức 2 giờ theo giờ Hà Nội).
Trước đó vào ngày ngày 31/8, hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) đưa tin Quân đội Nhân dân Triều Tiên (KPA) đã phóng hai tên lửa đạn đạo trong đợt diễn tập mô phỏng tấn công hạt nhân chiến thuật.
Vụ phóng tên lửa mới nhất của Triều Tiên diễn ra vài ngày sau khi Mỹ và Hàn Quốc vừa kết thúc cuộc tập trận thường niên Lá chắn Tự do Ulchi (UFS) kéo dài 11 ngày.
Triều Tiên nhiều lần phản ứng mạnh mẽ trước các cuộc tập trận của Mỹ và Hàn Quốc, coi đây là "hành động gây hấn". Trong khi đó, Mỹ và Hàn Quốc khẳng định các cuộc tập trận chỉ mang tính chất phòng thủ và cần thiết để răn đe Triều Tiên vì các chương trình phát triển hạt nhân.
Phiên xét xử ông Trump ở Georgia sẽ được truyền hình trực tiếp
Ngày 31/8, Thẩm phán Scott McAfee thuộc Tòa án Cấp cao hạt Fulton, bang Georgia (Mỹ) thông báo toàn bộ quá trình tranh luận và xét xử cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump cùng 18 đồng phạm sẽ được phát trực tiếp trên kênh YouTube của tòa.
Ông McAfee cũng cho phép các đài truyền hình tổ chức nhóm ghi hình. Tuy nhiên phóng viên các báo chỉ được dùng máy tính và điện thoại di động để ghi chú tường thuật diễn biến, không được tự ý ghi âm hoặc ghi hình.
Phán quyết của thẩm phán McAfee chỉ có hiệu lực trong phiên xử tại hạt Fulton, bang Georgia. Phán quyết này có thể thay đổi và không áp dụng cho bất cứ phần nào trong vụ án của ông Trump được chuyển lên tòa án liên bang.
Cựu Tổng thống Trump bị công tố viên hạt Fulton Fani Willis truy tố ngày 14/8 về cáo buộc cùng đồng minh nỗ lực lật ngược kết quả bầu cử. Ông Trump ngày 24/8 trình diện nhà tù ở Atlanta, chụp ảnh lưu hồ sơ và nộp tiền bảo lãnh 200.000 USD.
Ông Trump từ chối xuất hiện ở tòa án trong phiên trình bày lập luận ngày 31/8 mà gửi thư thông qua luật sư. Cựu Tổng thống Mỹ khẳng định ông không phạm những tội danh được nêu trong bản cáo trạng.
Ông Tharman Shanmugaratnam đắc cử Tổng thống Singapore
Theo kết quả chính thức vừa được công bố của Cơ quan Bầu cử Singapore (ELD), ông Tharman Shanmugaratnam, cựu Bộ trưởng cấp cao đã giành chiến thắng vang dội để trở thành Tổng thống tiếp theo của Singapore, với tỷ lệ ủng hộ 70,4% tổng số phiếu bầu.
Hai ứng cử viên còn lại là cựu Giám đốc Đầu tư của Quỹ Đầu tư Chính phủ Singapore (GIC) Ng Kok Song đứng ở vị trí thứ hai với 15,72%; và cựu Giám đốc Công ty Bảo hiểm NTUC Income Tan Kin Lian nhận được 13,88% số phiếu bầu.
Ông Tharman Shanmugaratnam, 66 tuổi là nhà kinh tế và một chính khách của Singapore. Ông đã từng là Phó Thủ tướng từ năm 2011 đến 2019 và là Bộ trưởng cao cấp trong chính phủ từ 2019 đến 2023. Ông Tharman có bề dày kinh nghiệm về lãnh đạo, chuyên môn tài chính và quan hệ quốc tế.
Tổng thống đương nhiệm của Singapore là bà Halimah Yacob sẽ kết thúc nhiệm kỳ vào ngày 13/9 tới, và theo kế hoạch ngày 14/9 ông Tharman sẽ chính thức tuyên thệ nhậm chức Tổng thống thứ 9 của Singapore.
Nga biên chế tên lửa liên lục địa "mạnh nhất thế giới"
Ngày 1/9, ông Yury Borisov, Giám đốc Cơ quan Vũ trụ Nga Roscosmos, tuyên bố tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) RS-28 Sarmat đã được đưa vào biên chế.
Bộ Quốc phòng Nga khẳng định: "Sarmat là tên lửa mạnh nhất với tầm bắn xa nhất trên thế giới. Nó sẽ tăng cường đáng kể sức mạnh chiến đấu của các lực lượng vũ trang hạt nhân chiến lược Nga".
Cuối năm ngoái, Tổng Giám đốc Trung tâm Tên lửa Nhà nước Makeyev, Vladimir Degtyar, cho biết hoạt động sản xuất hàng loạt RS-28 Sarmat đã bắt đầu ở Nga. Quá trình phát triển RS-28 Sarmat đã bắt đầu từ hơn 10 năm trước, vào năm 2011.
Theo các chuyên gia vũ khí Nga, với tầm bắn trên 18.000 km, RS-28 Sarmat có khả năng mang các đầu đạn phân hướng nhắm đơn mục tiêu nặng 10 tấn tới bất kỳ địa điểm nào trên Trái đất, thậm chí là cả Bắc Cực và Nam Cực. Tên lửa này được thiết kế để có thể tiếp tục bay theo quỹ đạo trước đó ngay cả khi bị đánh chặn.
Một đầu đạn thường được trang bị trên RS-28 Sarmat có sức công phá tương đương 50 tấn thuốc nổ TNT. RS-28 Sarmat còn được trang bị nhiều loại thiết bị mồi để đánh lừa hệ thống phòng thủ đối phương. Những đầu đạn được trang bị trên RS-28 Sarmat được gắn hệ thống định vị riêng biệt, có thể đổi hướng bay để xuyên qua những hệ thống phòng thủ được cho là tiên tiến nhất.