Niger cảnh báo hậu quả nếu bị nước ngoài can thiệp quân sự
Phát biểu trên truyền hình ngày 19/8, người đứng đầu chính quyền quân sự Niger, Tướng Abdourahamane Tiani, đã cam kết rằng giai đoạn chuyển tiếp ở nước này sẽ không kéo dài quá 3 năm, đồng thời cảnh báo mọi nỗ lực can thiệp quân sự từ nước ngoài sẽ bị kháng cự mạnh mẽ - đề cập đến Cộng đồng Kinh tế Các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) và sự hỗ trợ của các nước khác.
Lãnh đạo chính quyền quân sự Niger cũng tuyên bố khởi đầu 30 ngày "đối thoại toàn quốc" để xây dựng những đề xuất nhằm thiết lập nền tảng cho "đời sống hiến pháp mới".
Phát biểu trên được đưa ra sau khi các lãnh đạo quân đội khối ECOWAS thống nhất được ngày có thể bắt đầu can thiệp vào Niger nếu các biện pháp ngoại giao thất bại.
Sau cuộc đảo chính hôm 26/7, Niger đã chịu các lệnh trừng phạt thương mại và tài chính nặng nề do ECOWAS áp đặt. Ngày 10/8, ECOWAS quyết định kích hoạt lực lượng thường trực của khối, có thể triển khai đến Niger để khôi phục trật tự hiến pháp tại quốc gia này.
Tàu thám hiểm Mặt trăng của Nga gặp sự cố
Ngày 19/8, Cơ quan Vũ trụ Quốc gia Nga Roskosmos xác nhận tàu không gian Luna-25 đã gặp trục trặc kỹ thuật khi trong quá trình chuẩn bị chuyển sang quỹ đạo hạ cánh xuống Mặt trăng.
Theo thông cáo ngắn của Roskosmos, "tình huống bất thường" đã xảy ra với tàu Luna-25, khiến việc điều khiển con tàu theo các thông số quy định không thể thực hiện được. Roskosmos cho biết các chuyên gia đang tiến hành phân tích và xử lý tình huống này, ngoài ra không cung cấp thông tin chi tiết nào thêm.
Theo kế hoạch, tàu Luna-25 sẽ đáp xuống cực nam của Mặt trăng vào thứ Hai 21/8 và thực hiện nhiệm vụ thám hiểm khu vực này trong vòng một năm.
Dự án tàu Luna-25 là một phần trong nỗ lực chạy đua tốn kém của Nga để trở thành quốc gia đầu tiên hạ cánh xuống cực nam của hành tinh này - nơi mà các nhà khoa học tin rằng có thể xuất hiện các nguồn nước bị đóng băng hoặc có nhiều nguyên tố quý giá.
Nổ súng ở thủ đô Manila của Philipppines, 2 người thiệt mạng
Ngày 19/8, cảnh sát Philippines cho biết 2 người đã thiệt mạng và 3 người khác bị thương sau một vụ nổ súng vào tối cùng ngày tại một trạm kiểm soát của cảnh sát ở thủ đô Manila.
Vụ việc xảy ra khi cảnh sát yêu cầu hai người đàn ông đang đi xe máy dừng lại để kiểm tra giấy tờ thì bất ngờ hai đối tượng này rút súng bắn vào các cảnh sát.
Sau cuộc truy bắt, đối tượng lái xe máy đã bị cảnh sát tiêu diệt và một người dân trong khu vực bị thương nặng vì trúng đạn dẫn đến tử vong. Vụ việc cũng khiến 3 người bị thương gồm 2 cảnh sát đang làm nhiệm vụ tại trạm kiểm soát và đối tượng ngồi sau xe máy.
Mỹ - Nhật thống nhất kế hoạch phát triển tên lửa chống vũ khí siêu vượt âm
Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio đã thống nhất kế hoạch phát triển một loại tên lửa mới có khả năng đánh chặn các vũ khí siêu vượt âm thế hệ mới.
Đây là lần thứ hai Nhật Bản và Mỹ cùng nhau phát triển tên lửa đánh chặn sau tên lửa tiêu chuẩn -3 Block 2A (Standard Missile-3 Block 2A). Tháng 11 năm ngoái, hai nước cho biết, tên lửa hợp tác phát triển đầu tiên đã tiêu diệt thành công một mục tiêu tên lửa đạn đạo xuyên lục địa trong một cuộc thử nghiệm sau khi nó được phóng từ một tàu khu trục trang bị hệ thống Aegis.
Tên lửa siêu vượt âm có thể bay ở tốc độ lớn hơn Mach 5 (gấp 5 lần tốc độ âm thanh). Chúng cũng có khả năng cơ động và có thể thay đổi hướng bay trong hành trình, khó bị radar bắn hạ hoặc theo dõi hơn. Theo Bộ Quốc phòng Nhật Bản, 2 nước đặt mục tiêu hoàn thành quá trình phát triển tên lửa vào năm 2030.