Philippines gỡ "rào chắn" của Trung Quốc trên Biển Đông
Ngày 25/9, Cảnh sát biển Philippines (PCG) thông báo đã thực hiện nhiệm vụ đặc biệt theo chỉ đạo của Tổng thống nước này, gỡ thành công "rào chắn nổi" của Trung Quốc triển khai tuần trước nhằm ngăn cản các tàu đánh cá Philippines đi vào bãi cạn Scarborough trên Biển Đông.
PCG khẳng định dây phao rào chắn của Trung Quốc "là mối nguy hại với hoạt động đi lại, vi phạm rõ ràng luật pháp quốc tế".
Hình ảnh do PCG công bố cho thấy một thợ lặn dùng dao cắt dây thừng nối với các khối phao nổi màu trắng. Chưa rõ giới chức Philippines có gỡ bỏ toàn bộ đoạn dây phao này hay không.
Bãi cạn Scarborough là rạn san hô vòng gồm nhiều đá ngầm và đá nổi, nằm cách đảo chính Luzon của Philippines khoảng 200 km và cách bờ biển đông nam Trung Quốc khoảng 1.000 km. Đây là khu vực thường xuyên xảy ra tranh chấp chủ quyền và biển đảo trong nhiều năm qua.
Mỹ sắp lập đường dây nóng với Trung Quốc?
Tướng Chance Saltzman, tư lệnh Lực lượng Không gian Mỹ, cho biết lực lượng này vừa có các cuộc thảo luận nội bộ về việc thiết lập đường dây nóng trong tương lai với Trung Quốc để ngăn các cuộc khủng hoảng trong không gian.
“Những gì chúng tôi bàn là ít nhất Mỹ mở ra một đường dây liên lạc để đảm bảo rằng nếu xảy ra khủng hoảng, chúng tôi biết mình có thể liên hệ với ai”, ông Saltzman tiết lộ, đồng thời nói thêm rằng vấn đề này còn phụ thuộc vào Tổng thống Joe Biden và Bộ Ngoại giao Mỹ chủ trì các cuộc thảo luận.
Thông tin trên được tiết lộ giữa bối cảnh Lực lượng không gian Mỹ đang xem xét thành lập phân nhánh tại Nhật Bản, trong lúc Trung Quốc cho thấy nhiều tham vọng quân sự ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Trong khi đó, tình hình thế giới và đặc biệt là chiến sự ở Ukraine đã cho thấy tầm quan trọng của năng lực không gian trong chiến đấu.
Công dân Israel có thể sẽ được miễn visa khi nhập cảnh Mỹ
Ngày 25/9, Bộ Ngoại giao Israel cho biết nước này hy vọng trong tuần này Mỹ sẽ công bố quyết định chấp thuận cho Israel tham gia chương trình miễn thị thực nhập cảnh (visa) vào Mỹ (VWP), theo đó công dân của quốc gia Trung Đông sẽ được phép vào Mỹ mà không cần visa bắt đầu từ tháng 11 tới.
Thời hạn để Israel hoàn tất mọi thủ tục và điều kiện cho phía Mỹ để được phê duyệt tham gia VWP là ngày 30/9. Nếu thành công thì đây sẽ được xem là một "điểm cộng" cho chính quyền Thủ tướng Benjamin Netanyahu, trong bối cảnh Jerusalem và Washington đang bất đồng về nhiều vấn đề như cải cách tư pháp và các chính sách của Israel đối với Palestine.
“Việc Israel tham gia VWP là một thành tựu ngoại giao và là tin tốt lành cho mọi công dân Israel", Ngoại trưởng Eli Cohen phát biểu.
Về phía Mỹ, một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao nước này cho biết Bộ An ninh Nội địa Mỹ sẽ làm việc với Bộ Ngoại giao để đưa ra quyết định cuối cùng về việc tham gia VWP của Israel trong vài ngày tới. Hiện có 40 quốc gia trên toàn thế giới được tham gia VWP của Mỹ, và Croatia là nước mới nhất tham gia chương trình vào năm 2021.
Băng ở vùng biển Nam cực giảm xuống mức thấp kỷ lục
Trung tâm dữ liệu băng tuyết quốc gia Mỹ (NSIDC) ngày 25/9 thông báo, lớp băng ở vùng biển Nam cực đang giảm xuống mức thấp kỷ lục trong mùa đông năm nay. Các nhà khoa học lo ngại ảnh hưởng của biến đổi khí hậu ở cực Nam của Trái đất đang có chiều hướng gia tăng nhanh.
Theo các nhà nghiên cứu, sự thay đổi trên có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng đến các loài động vật ở Nam Cực, chẳng hạn như chim cánh cụt - loài chim có tập tính sinh và nuôi con trên các lớp băng; đồng thời đẩy nhanh tiến trình nóng lên toàn cầu vì ánh sáng Mặt trời không còn được nhiều khối băng phản xạ trở lại vào không gian.
Theo NSIDC, diện tích băng ở Nam cực đã giảm xuống còn 16,96 triệu km2 - sụt giảm gần 1 triệu km2 so với lần ghi nhận trước vào mùa đông năm 1986, và là mức thấp kỷ lục kể từ khi các nhà khoa học bắt đầu theo dõi dữ liệu vệ tinh.
Các nhà khoa học NSIDC nhấn mạnh đây là thống kê sơ bộ vì băng có thể tan chảy thêm vào cuối mùa, và bản báo cáo đầy đủ về diện tích băng ở Nam Cực sẽ được công bố vào tháng sau.