Hàng không ở Anh gián đoạn nghiêm trọng vì sự cố kiểm soát không lưu
Ngày 29/8, Chính phủ Anh đang làm việc với các cơ quan chức năng, các hãng hàng không để bảo đảm cho hàng ngàn hành khách đang bị mắc kẹt tại các sân bay trên khắp châu Âu vì sự cố kỹ thuật của hệ thống kiểm soát không lưu tự động khiến hơn 1.500 chuyến bay bị hủy.
Mặc dù lỗi hệ thống đã được sửa sau vài giờ, nhưng dự kiến phải mất vài ngày để khôi phục lại hoàn toàn như ban đầu, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động hàng không.
Martin Rolfe, CEO Dịch vụ Không lưu Quốc gia Anh (NATS), đã lên tiếng xin lỗi các hành khách vì sự cố lần này, và cho biết qua điều tra ban đầu thì sự cố xảy ra liên quan đến dữ liệu chuyến bay.
"Khi gặp sự cố, cả hệ thống chính và dự phòng đều phản ứng bằng cách dừng toàn bộ chu trình tự động để đảm bảo không có thông tin sai lệch nào gửi đến các kiểm soát viên không lưu hoặc gây ảnh hưởng đến các phần còn lại của hệ thống", ông Rolfe nói.
Bộ trưởng Vận tải Anh, ông Mark Harper, cho biết đây là lần đầu tiên trong một thập kỷ tại Anh xảy ra sự cố nghiêm trọng quy mô lớn như vậy. Ông cũng loại trừ khả năng đây là một cuộc tấn công an ninh mạng có chủ ý.
Sân bay Nga bị UAV tập kích
Rạng sáng 30/8, một nhóm khoảng 15 máy bay không người lái (UAV) đã tập kích sân bay quân sự Nga ở thành phố Pskov sát biên giới với 2 nước NATO là Estonia và Latvia lần lượt khoảng 30 km và 60 km về phía tây.
Hãng thông tấn TASS dẫn nguồn tin từ cơ quan khẩn cấp cho biết đã có 4 máy bay vận tải hạng nặng Ilyushin II-76 bị hư hại vì vụ tấn công, trong đó có 2 chiếc bốc cháy.
Thống đốc vùng Pskov, ông Mikhail Vedernikov, cũng xác nhận thông tin trên. Trên Telegram, ông cho biết: "Bộ Quốc phòng đã đẩy lùi một cuộc tấn công UAV nhằm vào sân bay Pskov. Theo thông tin ban đầu, không có thương vong. Giới chức trách đang đánh giá quy mô thiệt hại", ông Vedernikov cho biết trên Telegram.
Trước đó vào tháng 5, tỉnh Pskov cũng bị tập kích bằng UAV với mục tiêu là một cơ sở hỗ trợ đường ống dầu khí trên địa bàn. Sự việc không gây thương vong nhưng khiến cơ sở bị hư hại nhẹ phía ngoài.
Anh là nước đầu tiên điều trị ung thư bằng thuốc tiêm tác dụng nhanh
Dịch vụ Y tế Công của Anh (NHS) sẽ là đơn vị đầu tiên trên thế giới sử dụng thuốc tiêm Atezolizumab để tiêm trực tiếp vào tĩnh mạch, điều trị cho hàng trăm bệnh nhân ở Anh. Đây là phương pháp được đánh giá là rút ngắn đến 3/4 thời gian so với phương pháp hiện tại.
Theo NHS, việc Cơ quan Quản lý Thuốc và Sản phẩm chăm sóc sức khỏe (MHRA) phê duyệt sử dụng Atezolizumab tiêm trực tiếp vào tĩnh mạch sẽ giúp các nhân viên y tế thuận lợi hơn, nhanh chóng hơn khi chăm sóc bệnh nhân, từ đó sẽ tăng được số lượng bệnh nhân được điều trị trong một ngày.
Thuốc tiêm Atezolizumab, còn được gọi là Tecentriq, trước đây thường được tiêm truyền vào tĩnh mạch cho bệnh nhân và quá trình này thường mất khoảng 30 phút, hoặc lên đến một giờ để thuốc hoàn toàn đi vào tĩnh mạch bệnh nhân. Với cách thức mới tiêm trực tiếp, quá trình này rút ngắn lại chỉ còn 7 phút.
Atezolizumab được sản xuất bởi công ty sinh học Genentech thuộc tập đoàn dược phẩm Roche (Đức). Đây là loại thuốc giúp tăng cường hệ miễn dịch của bệnh nhân để tìm kiếm và tiêu diệt các tế bào ung thư. Atezolizumab hiện được áp dụng để điều trị nhiều loại ung thư như ung thư phổi, ung thư vú, ung thư gan và ung thư bàng quang.
WHO cảnh báo tỷ lệ tử vong cao của sản phụ ở Afghanistan
Theo số liệu được Văn phòng Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Afghanistan công bố ngày 28/8, trung bình mỗi ngày tại Afghanistan có 24 sản phụ tử vong do các biến chứng thai sản.
Theo WHO, đây là các ca tử vong hoàn toàn có thể ngăn ngừa được. Tuy nhiên, nguồn lực y tế eo hẹp khiến các dịch vụ chăm sóc sức khỏe thai sản không đảm bảo. Văn phòng trên cảnh báo nếu hệ thống y tế của nước này không được cải thiện, con số trên sẽ tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới.
Trong báo cáo mới nhất này, WHO nhấn mạnh tới tình trạng tê liệt của hệ thống y tế tại Afghanistan với hàng triệu người phải đối mặt với nguy cơ mất an ninh lương thực, suy dinh dưỡng, trong khi các dịch bệnh truyền nhiễm xuất hiện cùng với tình trạng hạn hán kéo dài khiến cuộc sống của người dân càng thêm khó khăn.