Chờ...

Tin thế giới sáng 6/7: Xe buýt đâm vào khe núi ở Mexico | Nổ bom tự sát ở trung tâm thủ đô Ukraine

VOH - Một số thông tin khác: Nga nêu điều kiện kết thúc chiến sự tại Ukraine; nhiều nước phản đối Nhật Bản xả nước thải từ nhà máy hạt nhân xuống biển.

Mexico: Xe buýt đâm vào khe núi, gần 50 người thương vong

Ngày 5/7, một chiếc xe buýt khi đang trên đường đi từ thủ đô Mexico City của Mexico đến thành phố Yosondua ở bang Oaxaca thì bất ngờ mất lái, đâm mạnh vào khe núi thuộc khu vực thị trấn Magdalena Penasco.

Vụ tai nạn đã khiến ít nhất 27 người thiệt mạng, trong đó có 1 trẻ sơ sinh, và 21 người bị thương. Trong số những người bị thương có 12 người hiện trong tình trạng nguy kịch - Bộ trưởng Nội vụ bang Oaxaca, ông Jesus Romero, cho biết. 

Tại Mexico ghi nhận nhiều vụ tai nạn chết người xảy ra trên các đoạn đường quanh co, đồi dốc ở ở nước này. Vào tháng 4, 18 người đã chết và hàng chục người bị thương khi một chiếc xe buýt rơi xuống vách đá ở miền tây Mexico.

Tin thế giới sáng 6/7: Xe buýt đâm vào khe núi ở Mexico | Nổ bom tự sát tại tòa án ở trung tâm thủ đô Ukraine
Lực lượng cứu hộ làm nhiệm vụ tại hiện trường vụ xe buýt đâm vào khe núi ở bang Oaxaca, Mexico ngày 5/7/2033 - Ảnh: Reuters

Nổ bom tự sát tại tòa án ở thủ đô Kiev của Ukraine

Chiều 5/7 (giờ địa phương) đã xảy ra vụ nổ tại tòa án quận Shevchenskivskyi ở khu vực trung tâm thủ đô Kiev của Ukraine. Nguyên nhân ban đầu được xác định do một người đàn ông kích hoạt thiết bị nổ khi đang cố thủ bên trong nhà vệ sinh của tòa án. 

Theo Bộ trưởng Nội vụ Ihor Klymenko, nghi phạm đã thiệt mạng. Vụ việc cũng khiến 2 cảnh sát bị thương. 

Nghi phạm được xác định là Ihor Humenyuk. Người này đến tòa án quận Shevchenkivskyi để tham dự phiên điều trần vì cáo buộc liên quan đến cái chết của 4 vệ binh quốc gia Ukraine vào năm 2015.

Tòa nhà của tòa án quận Shevchenkivskyi đã bị phong tỏa ngay sau khi xảy ra vụ việc. Cảnh sát và xe cứu thương cũng lập tức có mặt tại hiện trường.

Tin thế giới sáng 6/7: Xe buýt đâm vào khe núi ở Mexico | Nổ bom tự sát tại tòa án ở trung tâm thủ đô Ukraine
Lực lượng an ninh Ukraine tại hiện trường vụ đánh bom tự sát ở tòa án quận trung tâm thủ đô Kiev, ngày 5/7/2023 - Ảnh: Reuters

Nga nêu điều kiện kết thúc chiến sự tại Ukraine

Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev ngày 5/7 tuyên bố chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine sẽ kết thúc ngay sau khi các nước thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ngừng chuyển vũ khí tới Ukraine.

"Nếu NATO, chủ yếu là Mỹ và các nước đồng minh của họ, ngừng vận chuyển vũ khí và đạn dược tới Ukraine, chiến dịch quân sự đặc biệt sẽ kết thúc sau vài tháng; và nếu họ ngừng vận chuyển vũ khí ngay bây giờ, chiến dịch quân sự đặc biệt sẽ kết thúc chỉ sau vài ngày", ông Dmitry Medvedev phát biểu. 

Kể từ khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra từ tháng 2/2022, Mỹ và các đồng minh liên tục viện trợ vũ khí và thiết bị quân sự cho Kiev. 

Nga nhiều lần cảnh báo, việc phương Tây tiếp tục đưa vũ khí vào Ukraine chỉ khiến xung đột kéo dài và có nguy cơ lan rộng thành cuộc đối đầu trực tiếp giữa Nga và NATO. Moscow cũng tuyên bố, bất cứ vũ khí nước ngoài nào viện trợ cho Kiev đều trở thành mục tiêu tấn công, thu giữ chính đáng của Nga. 

Tin thế giới sáng 6/7: Xe buýt đâm vào khe núi ở Mexico | Nổ bom tự sát tại tòa án ở trung tâm thủ đô Ukraine
Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev - Ảnh: TASS

Nhiều nước phản đối Nhật Bản xả nước thải phóng xạ xuống biển

Trung Quốc đại lục và đặc khu hành chính Hong Kong đã lên tiếng phản đối việc Nhật Bản xả nước thải từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima xuống biển, dù Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) xác nhận số nước thải này đạt tiêu chuẩn an toàn.

Tại Trung Quốc, người tiêu dùng bắt đầu tẩy chay mỹ phẩm Nhật Bản sau khi xuất hiện những cáo buộc vô căn cứ rằng các sản phẩm này không an toàn do liên quan tới nước thải từ Fukushima. Đợt tẩy chay đã khiến cổ phiếu các công ty mỹ phẩm nổi tiếng của Nhật Bản như Shiseido bị ảnh hưởng.

Hong Kong cũng tuyên bố sẽ áp đặt một số hạn chế nhập khẩu với thủy sản đánh bắt tại các vùng biển có rủi ro cao sau khi nước thải từ Fukushima được xả vào đại dương.

Tin thế giới sáng 6/7: Xe buýt đâm vào khe núi ở Mexico | Nổ bom tự sát tại tòa án ở trung tâm thủ đô Ukraine
Các bể chứa nước phóng xạ tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima ở tỉnh Fukushima, Nhật Bản, ngày 23/2/2017 - Ảnh: Reuters

Ở Hàn Quốc, nhiều người dân và một số chính trị gia đối lập đã tham gia biểu tình phản đối kế hoạch xả nước thải của Nhật Bản. Hàn Quốc đang tiến hành đánh giá an toàn kế hoạch xả nước thải từ Fukushima.

Ngoại trưởng Nhật Bản Yoshimasa Hayashi dự kiến có cuộc gặp với người đồng cấp Trung Quốc và Hàn Quốc ngay trong tháng 7 nhằm tìm kiếm sự ủng hộ của Seoul và Bắc Kinh với kế hoạch xả nước thải.