Thế giới ghi nhận 72.059.487 ca nhiễm Covid-19 và 1.610.530 người đã tử vong, tăng lần lượt 605.273 và 10.053 ca trong một ngày, trong khi 50.452.061 người đã bình phục.
Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, ghi nhận thêm 285.783 ca nhiễm và 2.816 ca tử vong trong 24 giờ qua, đưa tổng số ca nhiễm lên 16.513.807, trong đó 304.858 người đã chết.
Tổng thống Mỹ Donald Trump tối 11/12 (sáng 12/12 giờ Hà Nội) cho biết liều vắc xin đầu tiên của Pfizer-BioNTech đang được chuyển đến các bang và sẽ được tiêm "trong chưa đầy 24 giờ tới", ưu tiên cho người cao tuổi, nhân viên chăm sóc y tế và lực lượng phản ứng nhanh.
Ấn Độ, vùng dịch lớn thứ hai thế giới, báo cáo thêm 27.182 ca nhiễm và 332 ca tử vong, nâng tổng số người nhiễm và chết vì Covid-19 lên lần lượt 9.854.208 và 142.994. Thủ đô New Delhi đang trải qua giai đoạn tồi tệ nhất của đại dịch, với nhiều bệnh viện rơi vào tình trạng quá tải.
Brazil, vùng dịch lớn thứ ba thế giới, ghi nhận thêm 670 người chết vì Covid-19, nâng tổng số ca tử vong lên 181.123. Số người nhiễm Covid-19 tăng 43.814 trong 24 giờ qua, lên 6.880.127.
Khảo sát do công ty Datafolha tiến hành hôm 12/12 cho thấy số người Brazil không muốn tiêm vắc xin đã tăng lên 22%, so với 9% hồi tháng 8, trong đó phần lớn cho biết không chấp nhận các loại vắc xin được sản xuất tại Trung Quốc.
Anh đã có thêm 21.502 ca nhiễm và 519 người chết, nâng ca nhiễm và tử vong lên lần lượt 1.830.956 và 64.026. Từ ngày 14/12, Anh sẽ cắt giảm thời gian tự cách ly từ 14 xuống 10 ngày đối với những người đến từ nước ngoài và những người tiếp xúc với các trường hợp dương tính với Covid-19.
Anh bắt đầu tiêm những liều vắc xin đầu tiên của Pfizer - BioNTech từ ngày 8/12. Giới chức y tế ưu tiên hàng đầu cho những người trên 80 tuổi, nhân viên y tế tuyến đầu, nhân viên chăm sóc tại viện dưỡng lão và người ở viện dưỡng lão. Khoảng 800.000 liều dự kiến được cung cấp trong tuần đầu tiên.
Đức ghi nhận 21.816 ca nhiễm và 351 ca tử vong mới, nâng tổng số lên lần lượt 1.320.592 và 22.171. Các cuộc tụ tập riêng tư bị giới hạn xuống còn 5 người từ ngày 1/12, số lượng khách được vào các cửa hàng cũng giảm xuống.
Tuy còn một số khác biệt, chính quyền liên bang và các bang tại Đức đã đạt nhất trí về biện pháp phong tỏa cho tới ngày 10/1/2021 nhằm kiềm chế tình trạng lây lan virus SARS-CoV-2.
Thông tin này được đưa ra sau cuộc trao đổi giữa Văn phòng Chính phủ liên bang và Văn phòng thủ hiến 16 bang của Đức. Tuy nhiên, Phủ Thủ tướng Đức mong muốn áp đặt lệnh phong tỏa ngay từ ngày 15/12, tiếp đó sẽ nhóm họp lại vào ngày 4/1/2021 để thảo luận về diễn biến của dịch bệnh để có thể nới lỏng hoặc tiếp tục kéo dài biện pháp này.
Nga, vùng dịch lớn thứ tư thế giới, ghi nhận thêm 28.137 ca nhiễm Covid-19 và 560 người chết trong vòng 24 giờ, nâng tổng số lên lần lượt 2.625.848 và 46.453.
Điện Kremlin hôm 11/12 cho biết mặc dù số ca tử vong đang tăng lên, giới chức không có kế hoạch tái áp đặt phong tỏa toàn quốc mà chọn phương án hạn chế theo từng khu vực. Saint Petersburg yêu cầu các quán cà phê, nhà hàng, bảo tàng, nhà hát và phòng hòa nhạc của thành phố đóng cửa trong kỳ nghỉ đón năm mới, từ 30/12 đến 10/1.
Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Dịch tễ học và Vi sinh vật mang tên Gamaleya thuộc Bộ Y tế Nga, ông Alexander Gintsburg ngày 12/12 cho biết vắc xin Sputnik V mà Trung tâm này phát triển, được điều chế trên nền tảng đã được sử dụng để phát triển vaccine ngừa bệnh Ebola, có thể bảo vệ cơ thể trong 2 năm. Sputnik V đảm bảo hiệu quả trong 96% trường hợp. Chỉ 4% trường hợp người được tiêm vaccine vẫn có thể mắc bệnh, nhưng bệnh sẽ ở dạng nhẹ như sổ mũi, ho, sốt không cao và mầm bệnh không ngấm vào phổi.
Italy ngày 12/12 một lần nữa ghi nhận số ca tử vong do Covid-19 cao nhất châu Âu, vượt qua Anh. Italy đã ghi nhận thêm 19.903 ca mắc Covid-19 mới, 649 ca tử vong trong ngày, đưa tổng số bệnh nhân thiệt mạng vì nhiễm virus SARS-CoV-2 ở nước này lên 64.036 người.
Những con số thống kê trên được coi là bước lùi đối với Italy, quốc gia phương Tây đầu tiên phải vật lộn với đại dịch Covid-19 và phải áp đặt lệnh phong tỏa trên toàn quốc, cũng như phải đối mặt với số ca nhiễm bệnh và tử vong rất cao trong mùa Xuân năm nay.
Iran, một trong những vùng dịch lớn nhất Trung Đông, báo cáo 51.949 người chết, tăng 221, trong tổng số 1.100.818 ca nhiễm, tăng 8.201. Bộ Y tế nước này hồi đầu tháng cho biết tình trạng lây nhiễm đang chậm lại, với 89/160 thành phố đã được đưa khỏi danh sách những nơi có nguy cơ cao.
Hàn Quốc đang đương đầu làn sóng Covid-19 thứ ba khi ca nhiễm mới hàng ngày liên tục tăng mạnh. Nước này báo cáo thêm 950 ca nhiễm, nâng tổng số ca nhiễm trên toàn quốc lên 41.736, trong đó 578 trường hợp tử vong, tăng 14 ca so với một ngày trước.
Hàn Quốc đã thắt chặt các quy định về giãn cách xã hội ở khu vực thủ đô vào đầu tuần này, với lệnh cấm tụ tập hơn 50 người và cấm khán giả vào xem các sự kiện thể thao. Các quán cà phê chỉ có thể phục vụ đồ mang đi, trong khi các nhà hàng không được tiếp khách sau 21h.
Indonesia là vùng dịch lớn nhất khu vực Đông Nam Á với 611.631 ca nhiễm, tăng 6.388, trong đó 18.653 người chết, tăng 142.
Dữ liệu chính phủ cho thấy Indonesia đã đặt hàng được 155,5 triệu liều vắc xin và đang tìm mua thêm 116 triệu liều từ Pfizer, AstraZeneca và chương trình COVAX. Nếu các thỏa thuận được thông qua, Indonesia, quốc gia 270 triệu dân, sẽ sở hữu 271,5 triệu liều vắc xin, vượt mức đặt ra là 246,6 triệu.
Philippines báo cáo 448.331 ca nhiễm và 8.730 ca tử vong, tăng lần lượt 1.301 và 35 ca, là vùng dịch lớn thứ hai khu vực. Philippines là một trong những nơi ăn mừng lễ Giáng sinh lâu nhất thế giới, bắt đầu từ tháng 9. Chính phủ Philippines đã ban lệnh cấm tổ chức tiệc Giáng sinh, các buổi tụ họp gia đình và hát mừng ngoài trời. Philippines cũng hủy kế hoạch cho phép trẻ em tới các trung tâm mua sắm.