Theo đó, Tòa án Hiến pháp Thái Lan sẽ họp vào ngày 3/8 tới để xem xét liệu có thụ lý đơn kiến nghị của Văn phòng Thanh tra nước này.
Nội dung đơn đề nghị tòa ra phán quyết về tính hợp hiến đối với nghị quyết do Quốc hội Thái Lan thông qua, liên quan việc không cho phép Chủ tịch Đảng Tiến bước (MFP) Pita Limjaroenrat được tái ứng cử trong cuộc bầu chọn Thủ tướng.
Trước đó vào ngày 19/7, đa số nghị sĩ đã bỏ phiếu bác bỏ việc tái đề cử ông Pita làm ứng cử viên Thủ tướng một lần nữa, viện dẫn Điều 41 theo Quy chế của Quốc hội Thái Lan, quy định rằng một kiến nghị đã bị từ chối không được đưa lên bỏ phiếu một lần nữa trong cùng kỳ họp Quốc hội (ông Pita trước đó đã thất bại trong vòng bỏ phiếu đầu tiên vào ngày 13/7).
Cùng ngày, ông Pita cũng bị Toà án Hiến pháp đình chỉ tư cách nghị sĩ vì cáo buộc ông sở hữu cổ phần của một công ty truyền thông khi đăng ký tranh cử nghị sĩ và điều này vi phạm Hiến pháp.
Tuy nhiên, Hiến pháp Thái Lan cũng quy định rõ rằng một ứng cử viên Thủ tướng không nhất thiết phải là nghị sĩ Quốc hội và có thể được tái đề cử.
Liên minh 8 chính đảng, nhiều nhóm học giả, luật sư và người ủng hộ Đảng MFP cho rằng việc đề cử này căn cứ theo quy định của Hiến pháp - văn bản pháp luật có giá trị pháp lý cao nhất, không phải theo quy chế hoạt động của Quốc hội.
Văn phòng Thanh tra Thái Lan đã tiếp nhận 17 đơn khiến nại, trong đó có khiếu nại của nhóm hạ nghị sĩ Đảng MFP, phản đối nghị quyết hôm 19/7 của Quốc hội Thái Lan. Văn phòng Thanh tra nhất trí đệ trình các khiếu nại này lên Tòa án Hiến pháp xem xét để ra phán quyết cuối cùng.