Reuters hôm 30/5 dẫn lời một số quan chức Mỹ cho biết "Tổng thống Biden đã chỉ đạo đội ngũ của ông đảm bảo Ukraine có thể sử dụng vũ khí do Mỹ cung cấp cho mục đích phản công ở Kharkov, tập kích đáp trả lực lượng Nga đang tấn công hoặc chuẩn bị tấn công họ".
Theo các quan chức Mỹ, quyết định của ông Biden chỉ áp dụng với mục tiêu quân sự trong lãnh thổ Nga gần biên giới với tỉnh Kharkov, đông bắc Ukraine.
Nguồn tin lưu ý rằng Mỹ sẽ tiếp tục cấm Ukraine sử dụng hệ thống tên lửa chiến thuật tầm xa (ATACMS), có tầm bắn lên tới 300 km, và các loại vũ khí tầm xa khác mà Washington cung cấp để tấn công sang lãnh thổ Nga.
Quyết định của ông Biden cũng không có nghĩa là Mỹ hiện đồng ý với các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái (UAV) của Ukraine vào các cơ sở dầu khí của Nga.
Nhà Trắng, đại sứ quán Nga tại Washington, phái đoàn Nga tại Liên Hợp Quốc chưa bình luận về thông tin.
Đây là lần thứ hai chính quyền Tổng thống Biden âm thầm nới lỏng chính sách liên quan vũ khí viện trợ cho Ukraine.
Giới chức Mỹ hồi tháng 4 xác nhận nước này đã chuyển loạt tên lửa đạn đạo ATACMS với tầm bắn 300 km trong gói viện trợ quân sự khẩn cấp cho Ukraine trị giá 300 triệu USD được phê duyệt tháng trước đó.
Ban đầu, Mỹ từ chối chuyển mẫu ATACMS tầm bắn 300 km do lo ngại Ukraine tập kích sâu vào lãnh thổ Nga, làm leo thang chiến sự và dẫn đến xung đột trực tiếp giữa Moskva và Washington, cũng như ảnh hưởng tới năng lực sẵn sàng chiến đấu của quân đội Mỹ.
Nhiều nước phương Tây khác như Pháp, Đức,... gần đây cũng “bật đèn xanh” cho Ukraine sử dụng vũ khí phương Tây tấn công sang lãnh thổ Nga.
Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 28/5 cảnh báo về "hậu quả nghiêm trọng" nếu các nước phương Tây cho phép Ukraine sử dụng vũ khí họ viện trợ để tấn công lãnh thổ Nga.