Tiêu điểm: Nhân Humanity

Tổng thống Donald Trump nêu điều kiện tái gia nhập WHO sau 5 ngày ký lệnh rút lui

VOH - Sau khi ký sắc lệnh chính thức rút Mỹ khỏi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vào ngày 20/1, cựu Tổng thống Donald Trump bất ngờ để ngỏ khả năng tái gia nhập tổ chức này, nhưng với điều kiện rõ ràng.

Trong phát biểu tại một cuộc mít tinh ở thành phố Las Vegas, CNN dẫn lời ông Trump cho biết, ông không hài lòng khi Mỹ đóng góp tài chính lớn hơn nhiều so với Trung Quốc cho WHO, trong khi Trung Quốc có dân số lớn hơn Mỹ rất nhiều.

Tuy nhiên, ông Trump cũng để ngỏ khả năng Mỹ tái gia nhập tổ chức này. "Có lẽ chúng ta sẽ cân nhắc làm lại. Tôi không biết. Có thể chúng ta sẽ làm điều này, nhưng họ phải dọn dẹp tổ chức," ông nói.

ho_voh
Tổng thống Donald Trump cân nhắc lại việc gia nhập WHO. - Ảnh: Reuters

Theo giới quan sát, "dọn dẹp tổ chức" mà ông Trump đề cập có thể bao gồm việc cơ cấu lại tổ chức, giảm các khoản chi tiêu không cần thiết, và điều chỉnh lại mức đóng góp tài chính để đảm bảo tính công bằng giữa các quốc gia thành viên.

Ngày 20/1, chỉ vài giờ sau khi nhậm chức, ông Trump đã ký sắc lệnh rút Mỹ khỏi WHO, cáo buộc tổ chức này có những sai lầm trong việc xử lý đại dịch COVID-19 và một số khủng hoảng y tế quốc tế khác. Theo sắc lệnh này, Mỹ dự kiến sẽ chính thức rời khỏi WHO vào ngày 22/1/2026.

Washington là nhà tài trợ lớn nhất của WHO, đóng góp khoảng 18% tổng ngân sách của tổ chức này. Ngân sách của WHO cho giai đoạn 2024-2025 là khoảng 6,8 tỉ USD. Các nhà tài trợ lớn khác bao gồm Đức, quỹ Bill và Melinda Gates, liên minh vaccine Gavi, và Ủy ban châu Âu.

Việc Mỹ rút lui khỏi WHO được dự báo sẽ gây ảnh hưởng lớn đến cả hai phía.

Đối với Mỹ, việc không còn tham gia WHO sẽ khiến Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) mất quyền truy cập vào hệ thống dữ liệu y tế toàn cầu mà WHO cung cấp. Các chuyên gia y tế cảnh báo điều này sẽ làm giảm khả năng giám sát và phản ứng của Mỹ đối với các mối đe dọa y tế trên thế giới.

Ngành dược phẩm Mỹ cũng có nguy cơ mất đi sự hỗ trợ từ WHO trong việc chứng nhận các loại thuốc, vaccine và thiết bị y tế để sử dụng tại các quốc gia đang phát triển.

Về phía WHO, việc Mỹ - nhà tài trợ lớn nhất - rời đi sẽ đặt ra thách thức lớn về tài chính. Theo tạp chí Politico, WHO hiện đang phải đóng băng việc tuyển dụng, ngoại trừ những vị trí quan trọng, đồng thời cắt giảm chi phí đi lại để giảm áp lực tài chính.

Các chương trình quan trọng của WHO, như chống lại bệnh lao - bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nhất thế giới, HIV/AIDS, và các trường hợp khẩn cấp về sức khỏe, có nguy cơ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Bình luận