“Tôi xin phép Quốc hội chuyển thủ đô tới Kalimantan. Thủ đô không chỉ là một biểu tượng của quốc gia mà còn thể hiện sự phát triển của quốc gia đó. Việc dời thủ đô là nhằm hiện thực hóa sự công bằng và bình đẳng về kinh tế”, ông Joko Widodo nói.
Tổng thống Indonesia hiện vẫn chưa đưa ra vị trí chính xác của trung tâm thủ đô mới. Kalimantan là một khu vực được biết đến với lượng rừng mưa nhiệt đới lớn ở Indonesia, ngoài ra còn có loài đười ươi bản địa của đảo Borneo và là nơi sinh sống của khoảng 16 triệu người dân.
Tổng thống Indonesia Joko Widodo phát biểu trước Quốc hội vào ngày 16/8/2019 (Ảnh: Reuters)
Trong khi đó, Jakarta là thành phố lớn nhất ở Indonesia với dân số khoảng 10 triệu người và góp mặt trong danh sách những thành phố ô nhiễm nhất thế giới. Tuy nhiên, tình trạng tắc nghẽn giao thông thường xuyên xảy ra, khiến nền kinh tế thiệt hại khoảng 7 tỷ USD/năm. Bên cạnh đó, với vị trí nằm ở vùng đất thấp, thành phố thường xuyên bị ảnh hưởng bởi những đợt triều cường. Theo ước tính, mỗi năm thành phố này bị lún khoảng 18cm. Không những vậy, tình trạng quá tải đã kéo theo nhiều vấn đề dân sinh khiến Chính phủ Indonesia phải đau đầu suốt những năm vừa qua.
Trước đây, khi đề cập tới kế hoạch di dời thủ đô, Tổng thống Indonesia nói rằng, việc chọn thủ đô mới thể hiện tầm nhìn xa của nước này trong 10, 50 hoặc thậm chí là 100 năm tới.
Trước đó, vào tháng 5 năm nay, ông Joko Widodo đã có chuyến đi thị sát đến tỉnh Kalimantan để khảo sát khu vực và hiện đang rút lại danh sách thủ đô mới sẽ được chọn gồm 3 tỉnh ở trung tâm, phía đông hoặc phía nam tỉnh Kalimantan.
Kaimantan là một tỉnh nằm trên đảo Borneo. Đây là hòn đảo mà Indonesia có đường biên giới chung với Brunei và Malaysia.
Khu vực thủ đô hiện tại Jakarta và tỉnh Kalimantan trên đảo Borneo (với 3 vùng trung tâm, phía đông và phía nam) mà Indonesia dự kiến sẽ dời đô (Ảnh: Reuters)
Một trong những yêu cầu bắt buộc của sự lựa chọn này là thủ đô mới phải ở khu vực trung tâm Indonesia - quốc đảo với hệ thống hơn 17.000 hòn đảo lớn nhỏ khác nhau trải dài lên đến 5.000km từ đông sang tây. Do đặc thù vị trí địa lý như vậy nên Indonesia là quốc gia thường xuyên phải chịu nhiều thiên tai như động đất, lũ lụt, sóng thần và cả núi lửa phun trào.
Theo Bộ trưởng Bộ Đầu tư Bambang Brodjonegoro, việc di dời thủ đô có thể tiêu tốn số tiền lên tới 33 tỷ USD nhưng đây là việc làm cần thiết. Chi phí này bao gồm cả việc xây dựng các văn phòng Chính phủ và nơi cư trú cho khoảng 1,5 triệu nhân viên Nhà nước - dự kiến sẽ bắt đầu di dời từ năm 2024.