Ngày 14/5, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đến Qatar, điểm dừng chân thứ hai trong chuyến công du kéo dài ba ngày tới khu vực vùng Vịnh, sau khi kết thúc chuyến thăm Saudi Arabia.
Đây là một phần trong chuyến công du nước ngoài chính thức đầu tiên của ông Trump trong nhiệm kỳ hai, phản ánh định hướng của Nhà Trắng trong chính sách đối ngoại.
Trong khuôn khổ chuyến thăm, ông Trump dự kiến sẽ gặp Quốc vương Qatar Sheikh Tamim, làm việc với đại diện các doanh nghiệp Mỹ và Qatar, cũng như thăm căn cứ không quân Al Udeid.

Mối quan hệ Mỹ - Qatar đang thu hút sự chú ý sau thông tin Qatar từng đề xuất tặng ông Trump một máy bay hạng sang trị giá 400 triệu USD để sử dụng làm chuyên cơ Không lực Một hoặc cho mục đích cá nhân.
Chuyến thăm ba quốc gia vùng Vịnh gồm Saudi Arabia, Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) và Qatar mang theo thông điệp ngoại giao mạnh mẽ từ Tổng thống Trump đối với khu vực Trung Đông. Mục tiêu không chỉ nhằm tìm kiếm các thỏa thuận kinh tế quy mô lớn, mà còn tái khẳng định cam kết của Mỹ với các đồng minh chiến lược, cũng như với an ninh và địa chính trị trong một khu vực vốn được coi là "điểm nóng" toàn cầu.
Chiến lược của ông Trump tại Trung Đông tiếp tục nhấn mạnh quan điểm “Nước Mỹ trước tiên”, tối ưu hóa lợi ích trong các lĩnh vực thương mại, quốc phòng và ảnh hưởng địa chiến lược.
Không như dưới thời Tổng thống Barack Obama, các nước vùng Vịnh hiện tỏ ra thận trọng với chính sách ngoại giao của chính quyền Trump về việc giải quyết tranh cãi xung quanh chương trình hạt nhân Iran. Đặc biệt là sự không nhất quán của Washington đối với vấn đề này khiến các nước vùng Vịnh e ngại ủng hộ các cuộc đàm phán do lo sợ bị cuốn vào một cuộc xung đột tiềm tàng nếu đàm phán đổ vỡ.
Mặc dù chính quyền Mỹ đã nhiều lần cam kết xử lý các điểm nóng như Yemen, Libya, Gaza, hạt nhân Iran hay căng thẳng ở Biển Đỏ do hoạt động của lực lượng Houthi, giới phân tích cho rằng các tuyên bố này vẫn thiếu những hành động chính sách cụ thể.
Giới phân tích nhận định các nhà lãnh đạo vùng Vịnh đang chờ đợi cam kết an ninh rõ ràng hơn từ phía Mỹ, trong bối cảnh địa chính trị khu vực đang có nhiều biến động.
Một chi tiết đáng chú ý khác là Tổng thống Trump không có lịch trình tới Israel, đồng minh quan trọng nhất của Mỹ tại Trung Đông. Động thái này được cho là phản ánh sự thay đổi trong ưu tiên chính sách của Nhà Trắng, khi tiến trình hòa bình Trung Đông và xung đột tại Dải Gaza không còn nằm trong trọng tâm chiến lược như trước.