Rộ tin Mỹ cho phép Ukraine tấn công Nga bằng tên lửa tầm xa

VOH - Tổng thống Mỹ Joe Biden chính thức cho phép Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa ATACMS để tấn công bên trong lãnh thổ Nga, theo tờ New York Times ngày 17/11.

Quyết định này đánh dấu một sự thay đổi chính sách lớn của Mỹ, vốn trước đây hạn chế việc sử dụng các loại vũ khí này để tránh leo thang xung đột.

Nguồn tin của NYT cho biết, Ukraine dự kiến sử dụng ATACMS, loại tên lửa chiến thuật lục quân có khả năng tấn công xa tới 300 km, để nhắm vào các lực lượng Nga và các nhóm bên thứ ba đang hoạt động tại tỉnh Kursk. Các mục tiêu khác cũng có thể được thêm vào tùy theo tình hình chiến sự.

Quyết định của ông Biden được đưa ra trong bối cảnh Nga, với sự hỗ trợ của bên thứ ba, đang chuẩn bị một cuộc tấn công lớn nhằm giành lại tỉnh Kursk, khu vực mà Ukraine đã kiểm soát từ tháng 8/2024.

Joe Biden nha trang 2024
Tổng thống Mỹ Joe Biden

Dù các quan chức Mỹ không kỳ vọng việc này sẽ làm thay đổi hoàn toàn cục diện cuộc chiến, nhưng ông Biden muốn gửi một thông điệp răn đe rõ ràng tới cả Nga và các lực lượng thứ ba. Việc cho phép Ukraine sử dụng ATACMS được coi là bước đi nhằm tăng cường khả năng phòng thủ và phản công của Ukraine trước các cuộc tấn công từ Nga, đặc biệt là trong bối cảnh Moscow đang đẩy mạnh tấn công bằng UAV và tên lửa.

Trước đây, ông Biden từng do dự cung cấp loại vũ khí này vì lo ngại về nguy cơ leo thang căng thẳng. Tuy nhiên, áp lực từ các quan chức quốc phòng và đà gia tăng tấn công từ phía Nga đã khiến ông thay đổi quan điểm.

Ukraine thực tế đã nhận lô tên lửa ATACMS đầu tiên từ Mỹ vào năm 2023, theo hãng tin Reuters. Tuy nhiên, lúc đó Washington giới hạn việc sử dụng loại vũ khí này chỉ trong phạm vi lãnh thổ Ukraine.

Vào tháng 10/2023, Ukraine đã sử dụng ATACMS để tấn công sân bay của Nga tại Berdyansk, vùng Zaporizhia, làm hư hại nhiều thiết bị quân sự. Tuy nhiên, các cuộc tấn công vào sâu trong lãnh thổ Nga vẫn bị cấm.

Quyết định mới của ông Biden được đưa ra sau chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Rustem Umerov đến Washington vào tháng 8/2024, nơi ông đã trình bày danh sách các mục tiêu chiến lược ở Nga mà Ukraine muốn tấn công bằng ATACMS.

Việc Mỹ nới lỏng hạn chế sử dụng ATACMS có thể làm gia tăng căng thẳng trong cuộc xung đột Nga-Ukraine. Các nhà phân tích nhận định động thái này không chỉ gia tăng khả năng phòng thủ của Ukraine mà còn gửi đi thông điệp mạnh mẽ về sự ủng hộ của Mỹ đối với Kiev.

Tuy nhiên, quyết định này cũng làm tăng nguy cơ xung đột lan rộng, đặc biệt khi Nga có thể coi đây là hành động khiêu khích từ phía Mỹ và các đồng minh phương Tây.

Bình luận