Ngày 3/8, Tổng thống Niger Mohamed Bazoum kêu gọi toàn thể cộng đồng quốc tế giúp Niger khôi phục trật tự hiến pháp sau khi lực lượng quân sự tuyên bố phế truất ông.
Niger đang bị chính quyền quân sự tấn công, ông Bazoum viết. Tôi chỉ là một trong hàng trăm công dân bị giam giữ tùy tiện và bất hợp pháp.
Ông Bazoum nhấn mạnh cuộc đảo chính này phải chấm dứt và chính quyền quân sự phải trả tự do cho tất cả những người bị bắt giữ trái phép.
Ông cho rằng các nhóm khủng bố như Boko Haram sẽ lợi dụng tình hình bất ổn tại Niger để tấn công các nước láng giềng và tác động xấu đến nền hòa bình, sự an toàn và tự do trên thế giới.
Trong khi đó, chính quyền quân sự tại Niger cho biết sẽ đáp trả ngay lập tức bất cứ “cuộc tấn công hay kế hoạch tấn công” nào nhằm vào Niger từ các nước Tây Phi.
Tuyên bố trên của chính quyền quân sự Niger được công bố chỉ 3 ngày trước khi hết hạn tối hậu thư do ECOWAS đưa ra, trong đó cảnh báo có thể sử dụng vũ lực nếu chính quyền quân sự Niger không phục chức cho Tổng thống Bazoum trước ngày 6/8.
Trong một tuyên bố trên truyền hình quốc gia cùng ngày, chính quyền quân sự Niger thông báo sẽ chấm dứt nhiệm vụ của các đại sứ tại 4 nước Mỹ, Pháp, Nigeria và Togo.
Tướng Abdourahamane Tchiani, người đứng đầu Lực lượng đảo chính nói, chính quyền quân sự Niger đã hủy 5 thỏa thuận hợp tác quân sự với Pháp ký từ năm 1977 - 2020. Một thông báo ngoại giao sẽ được gửi đến Chính phủ Pháp.
Niger từng là thuộc địa của Pháp trước khi tuyên bố độc lập năm 1960. Pháp duy trì khoảng 1.500 binh sĩ tại Niger nhằm hỗ trợ quân đội nước sở tại trong cuộc chiến chống các phần tử thánh chiến tại khu vực Sahel.
Cùng ngày 3/8, Ngoại trưởng Pháp Catherine Colonna đã điện đàm với người đồng cấp Mỹ Antony Blinken về tình hình tại Niger, hai bên tái khẳng định ủng hộ Tổng thống bị phế truất Bazoum. Trên mạng xã hội X (Twitter), bà Colonna cho biết hai bên cam kết khôi phục nền dân chủ tại Niger và ủng hộ Tổng thống được bầu một cách dân chủ Bazoum.
Phát biểu trước báo giới, người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby cho biết Mỹ vẫn coi ngoại giao là một công cụ khả thi được lựa chọn đầu tiên trong việc giải quyết cuộc đảo chính ở Niger.