Ngày 18/7, Thủ tướng Papua New Guinea, ông James Marape thông báo, Tổng thống Macron sẽ đến thăm vào ngày 28/7. Sự kiện này thể hiện cam kết của Paris, mong muốn tăng cường quan hệ song phương. Tập đoàn năng lượng TotalEnergies của Pháp hiện là cổ đông hàng đầu, và được đề xuất trở thành nhà điều hành của dự án khí đốt tự nhiên hóa lỏng Papua LNG.
Thủ tướng Marape nói tiếp: “Giữa bối cảnh địa chính trị phức tạp trong khu vực, Papua New Guinea giữ vai trò trung lập. Tôi sẽ thúc giục Pháp xem xét vị trí chiến lược của Papua New Guinea, để thúc đẩy các dự án hợp tác.”
Papua New Guinea giàu tài nguyên khoáng sản, nhưng thưa dân và vẫn còn nghèo. Đảo quốc 9 triệu dân này đã ký 1 thỏa thuận hợp tác quốc phòng với Mỹ trong chuyến thăm của ngoại trưởng Blinken vào tháng 5 vừa qua.
Thủ tướng Marape cũng thông báo, ông muốn tăng cường hợp tác thương mại với Trung Quốc, một nhà đầu tư cơ sở hạ tầng lớn. Ông có kế hoạch thăm Bắc Kinh vào cuối năm nay.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã gặp lãnh đạo các đảo quốc Thái Bình Dương tại thủ đô Port Moresby của Papua New Guinea, cùng ngày với chuyến thăm của ngoại trưởng Blinken.
Với vị trí chiến lược quan trọng, Papua New Guinea đang trở thành nơi cạnh tranh giữa các cường quốc, nhất là sau khi quần đảo Solomon ký hiệp ước an ninh với Trung Quốc vào năm 2022.
Pháp là quốc gia có nhiều lãnh thổ ở châu Á Thái Bình Dương, như New Caledonia, Polynesia, Wallis và Fortuna. Hải quân nước này cũng thường xuyên tuần tra trong khu vực.
Dự kiến chuyến đi sắp tới, Tổng thống Pháp Macron cũng đến thăm Vanuatu và lãnh thổ hải ngoại New Caledonia.