Trong một tuyên bố, nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng để ngăn Israel đàn áp người Palestine, cộng đồng quốc tế có thể đưa quân vào Israel, tương tự như đã đưa lực lượng vào điểm nóng Nagorno-Karabakh, hay đưa quân vào Libya.
"Chúng ta phải rất mạnh mẽ để Israel không thể làm những điều vô lý này với Palestine. Giống như chúng ta đã tiến vào Karabakh, giống như chúng ta đã tiến vào Libya, chúng ta có thể làm điều tương tự với họ".
Theo Reuters, ông Erdogan dường như muốn nhắc đến những hành động trong quá khứ của Thổ Nhĩ Kỳ.
Năm 2020, Thổ Nhĩ Kỳ đã cử quân nhân tới Libya để hỗ trợ Chính phủ Thống nhất Quốc gia (GNU) Libya, là chính quyền được Liên Hiệp Quốc công nhận.
Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ phủ nhận mọi vai trò trực tiếp trong các hoạt động quân sự của Azerbaijan tại Nagorno-Karabakh (vùng lãnh thổ được quốc tế công nhận thuộc Azerbaijan nhưng có đông người Armenia sinh sống), nhưng năm ngoái cho biết họ đang sử dụng "mọi biện pháp", bao gồm cả huấn luyện quân sự và hiện đại hóa, để hỗ trợ đồng minh thân cận.
Cũng trong hôm qua 28/7, cuộc đàm phán 4 bên Mỹ, Ai Cập, Qatar và Israel về đề xuất ngừng bắn mới giữa Israel và lực lượng Hamas đã được tổ chức tại Italy.
Tuy nhiên, theo một số đánh giá ban đầu, các cuộc thảo luận chưa đạt thêm bất kỳ đột phá đáng kể nào.
Theo truyền thông Israel, tham dự cuộc đàm phán tại Italy hôm qua có Giám đốc Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) William Burns, Thủ tướng Qatar Mohammed bin Abdulrahman al-Thani, Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia Ai Cập Abbas Kamel và người đứng đầu cơ quan Tình báo Mossad của Israel, ông David Barnea.
Cuộc họp tập trung thảo luận những yêu cầu mới nhất của Israel đối với đề xuất ngừng bắn. Tuy nhiên, các nguồn tin Israel không đề cập kết quả thảo luận, đồng thời cho biết đại diện đàm phán nước này đã trở về nước ngay trong chiều qua.
Trong khi đó, một số nguồn tin khu vực khẳng định cuộc họp hôm qua chưa đạt thêm bất kỳ tiến triển đáng kể nào.