Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS), đơn vị tổ chức Đối thoại Shangri-La, cho biết ông Zelensky sẽ tham gia phiên thảo luận vào ngày 2/6 với chủ đề "Tái định hình giải pháp cho hòa bình toàn cầu và ổn định khu vực".
Tổng thống Ukraine Volodomyr Zelensky dự kiến đề nghị các nước có mặt tại sự kiện tham dự và ủng hộ hội nghị thượng đỉnh hòa bình Ukraine diễn ra ngày 15-16/6 tại Thụy Sĩ.
"Tiếng nói của khu vực châu Á - Thái Bình Dương phải xuất hiện tại hội nghị nhằm khôi phục hòa bình cho Ukraine và đảm bảo an ninh lương thực, hạt nhân toàn cầu", ông Zelensky đăng trên mạng xã hội X ngày 1/6.
Phát biểu tại Đối thoại Shangri-La ngày 1/6, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Austin nói rằng việc hỗ trợ Ukraine đẩy lùi lực lượng Nga hơn hai năm qua cho thấy các nước trên thế giới "có thể tập hợp khi đối mặt hành động gây hấn".
Ngày 14/5, ông Zelensky tố Nga đang cố gắng phá hoại hội nghị được xem là dịp để ông Zelensky tranh thủ sự ủng hộ kêu gọi Nga rút quân, đồng thời khôi phục biên giới năm 1991 của Ukraine.
Chuyến đi lần này là lần thứ 2 ông Zelensky đến châu Á kể từ khi nổ ra chiến sự với Nga từ tháng 2/2022. Lần đầu tiên là vào tháng 5/2023, khi ông tham dự hội nghị G7 tại Nhật Bản.
Nga bắt đầu các cuộc tấn công mới nhằm vào phòng tuyến của Ukraine và tăng cường bắn phá bằng tên lửa trong những tháng gần đây. Lực lượng Nga đã giành được một số lợi thế nhỏ ở miền Đông và miền Nam Ukraine, trong khi các đồng minh của Kiev đang đẩy nhanh việc gửi đạn dược và vũ khí khác.
Ngày 30/5, các quan chức Mỹ cho biết Tổng thống Joe Biden đã đảm bảo với Ukraine rằng họ có thể sử dụng vũ khí mà Mỹ viện trợ để tấn công các mục tiêu bên kia biên giới Nga.
Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo các thành viên NATO không được cho phép Ukraine bắn vũ khí vào Nga và cảnh báo nguy cơ chiến tranh hạt nhân.
Nga không tham gia Đối thoại Shangri-la kể từ khi tiến hành chiến dịch ở Ukraine đầu năm 2022.