Theo hãng thông tấn Anadolu (AA) của Thổ Nhĩ Kỳ đưa tin, ông Stoltenberg và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã tiến hành cuộc họp kín kéo dài khoảng một giờ đồng hồ tại thủ đô Ankara để thảo luận các vấn đề về an ninh.
Phát biểu trên mạng xã hội sau cuộc gặp, nhà lãnh đạo NATO cho biết hai bên đã thảo luận về việc thành lập cơ chế tránh xung đột quân sự ở Đông Địa Trung Hải trong khuôn khổ NATO.
Ông Stoltenberg hy vọng rằng cơ chế tránh xung đột mà Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp đạt được mới đây dưới sự bảo trợ của NATO sẽ tạo một không gian cho các nỗ lực ngoại giao nhằm giải quyết tranh chấp.
Cũng trong ngày 5/10, ông Stoltenberg đã có cuộc gặp với Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu.
Tại cuộc họp báo chung sau cuộc gặp, ông Stoltenberg nói cơ chế tránh xung đột tại Đông Địa Trung Hải sẽ giúp giảm nguy cơ xảy ra các vụ va chạm.
Cơ chế này bao gồm các biện pháp cụ thể như thiết lập đường dây nóng an ninh giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp, đại diện hai nước gặp gỡ nhau tại trụ sở NATO… Hy vọng cơ chế này sẽ được phát triển hơn nữa, và những tranh chấp giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp có thể được giải quyết thông qua đối thoại.
Về tình hình tại khu vực Nagorny-Karabakh, ông Stoltenberg hy vọng các bên có thể ngừng bắn ngay lập tức và tìm ra giải pháp hòa bình cho vấn đề, đồng thời hy vọng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ dùng ảnh hưởng của mình để hạ nhiệt căng thẳng.
Ngoại trưởng Cavusoglu cảm ơn NATO đã nỗ lực điều phối tình hình ở Đông Địa Trung Hải. Ông nói, Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp đã bắt đầu các cuộc gặp gỡ song phương và Thổ Nhĩ Kỳ cảm thấy rất vui vì điều đó.
Vào tháng 11 năm ngoái, Thổ Nhĩ Kỳ và Chính phủ Đoàn kết dân tộc Libya (GNA) đã ký một thỏa thuận về phân định quyền tài phán trên biển giữa hai nước nhằm mở rộng vùng đặc quyền kinh tế ở phía Đông biển Địa Trung Hải, nhưng đã vấp phải sự phản đối của Hy Lạp, Cộng hòa Síp và Ai Cập.
Đầu năm nay, Hy Lạp, Cộng hòa Síp và Israel đã ký một thỏa thuận về xây dựng đường ống dẫn khí đốt tại Đông Địa Trung Hải.
Tháng 8 vừa qua, Hy Lạp và Ai Cập đã ký thỏa thuận về biên giới trên biển, đồng thời tuyên bố sẽ thiết lập vùng đặc quyền kinh tế trên biển.
Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng khu vực được đề cập trong thỏa thuận nằm trong thềm lục địa của nước này. Kể từ đó, Thổ Nhĩ Kỳ đã tái khởi động các hoạt động thăm dò khí đốt thiên nhiên tại vùng biển tranh chấp ở phía Đông Địa Trung Hải, gây ra sự phản đối của Hy Lạp và Cộng hòa Síp. Hai bên đã lôi kéo đồng minh tiến hành các cuộc tập trận chung, khiến tình hình ở Đông Địa Trung Hải trở nên căng thẳng.