Ngày 16/12, Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc dự kiến tổ chức phiên họp đầu tiên để xem xét quyết định luận tội Tổng thống Yoon Suk Yeol, người đang bị đình chỉ chức vụ sau khi quốc hội thông qua đề nghị luận tội ông vào ngày 14/12.
Tờ KCNA của Triều Tiên đưa tin về sự kiện này vào sáng 16/12, đánh dấu lần đầu tiên truyền thông Triều Tiên chính thức đề cập đến quyết định của quốc hội Hàn Quốc.
Trong bản tin, KCNA chỉ trích mạnh mẽ các phát biểu của ông Yoon, gọi đó là "những tuyên bố xen lẫn dối trá và cố chấp", đồng thời nhấn mạnh các cuộc biểu tình tại Seoul, nơi người dân kêu gọi luận tội tổng thống.
Tình hình tại Hàn Quốc đang trở nên căng thẳng. Ngày 11/12, KCNA lần đầu tiên đưa tin về cuộc khủng hoảng thiết quân luật bùng phát từ đầu tháng 12, khi quân đội và cảnh sát Hàn Quốc đối mặt với sự đình chỉ của nhiều quan chức cấp cao.
Những động thái này diễn ra sau khi các cuộc điều tra về Tổng thống Yoon được triển khai, nhằm làm rõ các cáo buộc liên quan đến việc lạm quyền và sai phạm trong chính quyền.
Sau khi quốc hội thông qua đề nghị luận tội vào ngày 14/12, quyền Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc, Kim Seon Ho ra lệnh quân đội duy trì trạng thái sẵn sàng cao độ để đảm bảo an ninh và ổn định đất nước. Các sĩ quan chỉ huy được yêu cầu nhanh chóng ổn định tình hình trong lực lượng quân đội.
Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc, cơ quan có thẩm quyền quyết định xem liệu Tổng thống Yoon có bị phế truất hay không sẽ có 180 ngày kể từ khi tiếp nhận vụ án để đưa ra phán quyết cuối cùng.
Nếu tòa án đồng thuận với quốc hội, ông Yoon sẽ trở thành tổng thống thứ hai trong lịch sử Hàn Quốc bị phế truất, sau cựu Tổng thống Park Geun-hye vào năm 2017. Trong trường hợp này, một cuộc bầu cử tổng thống bất thường sẽ được tổ chức trong vòng 60 ngày.