Cuộc thử nghiệm diễn ra dưới sự chỉ đạo của lãnh đạo Kim Jong-un và đánh dấu một bước tiến quan trọng trong chương trình phát triển vũ khí của Bình Nhưỡng.
Hãng thông tấn KCNA của Triều Tiên cho biết, tên lửa được phóng từ vùng ngoại ô thủ đô Bình Nhưỡng, bay khoảng 1.500 km với tốc độ đạt Mach 12 (gấp 12 lần tốc độ âm thanh), tương đương với hơn 14.800 km/h.
Tên lửa đã đạt độ cao tối đa gần 100 km và rơi chính xác tại vị trí giả định ở vùng biển phía Đông, theo thông báo từ chính quyền Triều Tiên. Động cơ của tên lửa sử dụng vật liệu composite sợi carbon mới, giúp tăng cường hiệu suất và độ bền.
Trong bài phát biểu sau vụ thử nghiệm, ông Kim Jong-un cho biết: "Hệ thống tên lửa siêu vượt âm mới sẽ giúp răn đe mọi đối thủ ở Thái Bình Dương, những quốc gia có thể ảnh hưởng đến an ninh quốc gia chúng ta."
Ông khẳng định rằng đây là một nỗ lực phòng vệ, không phải hành động tấn công, nhấn mạnh mục tiêu duy nhất là bảo vệ chủ quyền và an ninh của Triều Tiên.
Lãnh đạo Triều Tiên cũng cho biết, với hiệu suất của hệ thống tên lửa và khí tài mới, "thế giới không thể phớt lờ" khả năng chiến đấu của Triều Tiên. "Hệ thống tên lửa này có thể giáng đòn nặng nề vào đối thủ, xuyên thủng hiệu quả mọi hàng rào phòng thủ dày đặc," ông Kim Jong-un tuyên bố.
Ông cũng khẳng định rằng Triều Tiên sẽ tiếp tục đẩy nhanh việc phát triển các năng lực quốc phòng để trở thành một cường quốc quân sự.
Tên lửa siêu vượt âm là loại vũ khí có tốc độ tối thiểu gấp 5 lần tốc độ âm thanh (Mach 5), tương đương với hơn 6.200 km/h.
So với tên lửa đạn đạo truyền thống, vũ khí siêu vượt âm có tốc độ lớn, khả năng cơ động và đường bay thấp trong khí quyển, khiến chúng rất khó bị phát hiện và đánh chặn.
Những đặc điểm này tạo ra thách thức lớn đối với các hệ thống phòng không hiện đại của nhiều quốc gia, khiến đối phương có ít thời gian để phản ứng.
Sự phát triển tên lửa siêu vượt âm của Triều Tiên là một yếu tố quan trọng trong chiến lược quân sự của nước này, nhằm đối phó với các đối thủ mạnh và gia tăng sức mạnh răn đe.
Tên lửa siêu vượt âm có thể bay theo các quỹ đạo không thể đoán trước, giúp tránh được các hệ thống phòng thủ tên lửa truyền thống.
Vụ thử nghiệm tên lửa diễn ra ngay sau khi Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken gặp quyền Tổng thống Hàn Quốc Choi Sang-mok tại Seoul để thảo luận về các vấn đề hợp tác đồng minh và đối phó với mối đe dọa từ Triều Tiên.
Vụ phóng tên lửa cũng là vụ thử nghiệm đầu tiên của Triều Tiên kể từ đầu tháng 11/2024.
Ngoại trưởng Mỹ Blinken và người đồng cấp Hàn Quốc Cho Tae-yul đã lên án mạnh mẽ vụ phóng thử tên lửa của Triều Tiên.
Trong cuộc họp báo chung, ông Blinken nhấn mạnh tầm quan trọng của việc củng cố hơn nữa liên minh ba bên giữa Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản nhằm đối phó hiệu quả với các mối đe dọa từ Triều Tiên.