Quân đội Hàn Quốc nói thêm hành động phô trương sức mạnh quân sự này diễn ra trong thời điểm chuẩn bị có một lễ kỷ niệm quan trọng của Triều Tiên cũng như sắp diễn ra kỳ bầu cử quốc hội tại Hàn Quốc.
Các vụ phóng mới nhất này là hoạt động mạnh mẽ nhất trong số loạt hành động thử nghiệm vũ khí mà Triều Tiên đã tiến hành gần đây giữa lúc các cuộc đàm phán hạt nhân bị đình trệ và nỗi lo về đại dịch COVID-19 có khả năng lây lan vào Triều Tiên.
Một loạt tên lửa lại được Triều Tiên phóng ra vùng biển phía đông trong ngày 14/4. Ảnh: AP
Lực lượng quân đội Triều Tiên đóng tại thành phố biển Munchon ở phía Đông tiến hành phóng một số tên lửa đầu tiên vào buổi sáng ngày thứ Ba, Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc cho biết trong một tuyên bố.
Các tên lửa này đã bay hơn 150 km ngoài khơi bờ biển phía đông của Triều Tiên, một quan chức quốc phòng Hàn Quốc cho biết. Nếu được xác nhận, đây sẽ là vụ phóng tên lửa hành trình đầu tiên của Triều Tiên kể từ tháng 6/2017, theo một quan chức phát biểu với điều kiện giấu tên.
Vào cuối ngày thứ Ba, Triều Tiên tiếp tục cho vài tiêm kích lớp Sukhoi phóng một số tên lửa không đối đất không xác định hướng về vùng biển phía Đông nước này.
Quan chức thuộc Liên quân Hàn Quốc nói Triều Tiên có vẻ đã nối lại các hoạt động tập trận quân sự đã bị gián đoạn do đại dịch COVID-19, thêm rằng một số máy bay chiến đấu Triều Tiên khác cũng đã bay tuần tra gần biên giới với Trung Quốc cùng ngày.
Trong một vài tuần vừa qua, Triều Tiên đã liên tục tiến hành phóng thử nhiều loại tên lửa và các vũ khí khác.
Vụ phóng tên lửa hôm 14/4 này diễn ra chỉ vài ngày trước khi Triều Tiên kỷ niệm 108 năm ngày sinh của lãnh tụ Kim Il Sung, ông nội của Chủ tịch đương nhiệm Kim Jong Un.
Việc Triều tiên phóng các tên lửa hành trình là điều bất thường. Hầu hết các vũ khí mà nước này đã thử nghiệm gần đây là tên lửa đạn đạo hoặc đạn pháo tầm xa. Một số chuyên gia cho rằng tên lửa hành trình của Triều Tiên có khả năng nhắm vào các cơ sở của Mỹ sẽ được tăng cường trong trường hợp xảy ra xung đột vũ trang trên Bán đảo Triều Tiên.
Tất cả các cuộc phóng thử trước đó đều không tạo ra mối đe dọa trực tiếp nào cho Mỹ. Việc thử nghiệm loại tên lửa có khả năng chạm đến đất liền của Mỹ có thể thể hiện sự kết thúc lệnh tự cấm của Triều Tiên cho các cuộc thử nghiệm vũ khí lớn và có khả năng làm hỏng hoàn toàn tiến trình ngoại giao hạt nhân với Mỹ.
Một số chuyên gia cho rằng Triều Tiên có thể đã sử dụng các vụ phóng vũ khí mới nhất để tăng cường thể hiện sức mạnh của mình trước Hàn Quốc, nơi đã giới thiệu các máy bay F-35 tàng hình do Mỹ sản xuất và các hệ thống vũ khí tinh vi khác trong những năm gần đây. Một số khác cho rằng các vụ thử nghiệm trên nhằm củng cố nội bộ trước tác động của lệnh trừng phạt từ Mỹ và đại dịch COVID-19.
Triều Tiên đã nhiều lần nói rằng không có dấu hiệu bùng phát SARS-CoV-2 ở quốc gia này. Nhưng nhiều chuyên gia nước ngoài hoài nghi về tuyên bố đó và đã cảnh báo rằng một đợt bùng phát SARS-CoV-2 ở Triều Tiên có thể trở thành một thảm họa nhân đạo do đất nước này thiếu nguồn cung cấp y tế và có cơ sở hạ tầng chăm sóc sức khỏe mỏng manh.