Báo cáo của tờ Financial Times đăng vào ngày 16/10, dẫn lời 5 nhân chứng có liên quan đến sự việc cho biết, vào tháng 8 vừa qua Trung Quốc đã tiến hành phóng thử nghiệm vào không gian tên lửa siêu thanh có khả năng mang đầu đạn hạt nhân. Tên lửa này đã bay vòng quanh Trái đất trước khi đáp trượt so với mục tiêu ban đầu khoảng 20 dặm (khoảng 32km).
Các nguồn tin mô tả đây là thiết bị lướt siêu thanh, được tên lửa đẩy Trường Chinh phóng lên. AFP dẫn bài báo cho biết tình báo Mỹ đã bị bất ngờ về tiến bộ của Trung Quốc trong việc phát triển vũ khí siêu thanh.
Loại vũ khí này có thể mang theo đầu đạn hạt nhân và bay với vận tốc gấp 5 lần vận tốc âm thanh trở lên (tương đương 6.125 km/giờ). Trong khi tên lửa đạn đạo bay vào không gian với quỹ đạo cầu vồng trước khi tiến đến mục tiêu, tên lửa bội siêu thanh có thể bay theo quỹ đạo thấp trong khí quyển nên có khả năng trúng mục tiêu nhanh hơn. Hơn nữa, tên lửa này có thể thay đổi vị trí trong hành trình, giúp nó khó bị theo dõi và ngăn chặn.
Tuy nhiên, mới đây vào ngày 18/10, phát biểu tại buổi họp báo ở thủ đô Bắc Kinh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên đã bác bỏ báo cáo nói trên của Financial Times.
“Đó không phải là tên lửa, đó chỉ là một tàu không gian”, ông Triệu Lập Kiên khẳng định, đồng thời cho biết đây là “cuộc kiểm tra định kỳ” vì mục đích thử nghiệm công nghệ nhằm tái sử dụng tàu không gian này.
Theo ông Triệu, tầm quan trọng của việc thử nghiệm khả năng tái sử dụng là nó có thể “cung cấp một giải pháp giá rẻ và thuận tiện cho con người để du hành an toàn trong không gian”. Ông cho rằng có nhiều công ty cũng đang tiến hành những thử nghiệm tương tự.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng khẳng định việc thử nghiệm được diễn ra vào tháng 7 chứ không phải trong tháng 8 như báo cáo mà Financial Times đã đăng.
Về phía Mỹ, nước này đang theo dõi sát sao chương trình hiện đại hóa của quân đội Trung Quốc, nhằm đánh giá kịp thời những rủi ro có thể xảy ra, nhất là đối với một đối thủ chiến lược như Trung Quốc.